Từ đầu năm đến ngày 29/7, toàn tỉnh ghi nhận 7.129 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2018, với 246 ổ dịch trên tất cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột (2.760 ca), huyện Buôn Đôn (869 ca), Cư M’gar (542 ca), Krông Năng (843 ca)… trong những tuần gần đây, mỗi ngày, toàn tỉnh ghi nhận thêm trên 100 ca mắc sốt xuất huyết. Dự báo số bệnh nhân còn tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa mưa, thuận lợi cho muỗi sinh sản. Trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 25/7 với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng tổn thương đa cơ quan.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, riêng Khoa Truyền nhiễm đã điều trị cho 1.595 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong số đó đã xuất hiện những trường hợp bệnh nhân nặng như sốc, suy đa tạng, thiếu tiểu cầu nặng. Những trường hợp này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, hiện Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đang trong tình trạng quá tải do bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến, dẫn đến cơ sở vật chất và nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Khoa cũng kiến nghị ngành Y tế Đắk Lắk tăng cường thêm giường bệnh và nhân lực phục vụ, đáp ứng số bệnh nhân tăng lên trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến ngày 17/7, bệnh viện đã tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi tổng hợp. Trong đó số bệnh nhân nặng, có dấu hiệu cảnh báo cao chiếm khoảng 25%, các trường hợp nặng đều phải hồi sức tích cực.
Các bác sĩ cho biết, hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người mắc có thể rơi vào trạng thái nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Mặc dù ngành Y tế đã tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên tại nhiều gia đình ý thức phòng chống còn chưa tốt. Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk đang trong mùa mưa khiến tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia y tế, cách tốt nhất đề phòng bệnh sốt xuất huyết là thực hiện tốt khẩu hiệu “không có loăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Muốn thực hiện tốt khẩu hiệu này, ngoài công tác phòng chống của ngành Y tế như phun thuốc diệt muỗi, diệt loăng quăng, người dân cần thay đổi từ nhận thức đến hành động. Người dân cần chủ động trong công tác phòng chống, thường xuyên kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh tất cả các dụng cụ có thể chứa nước mưa và nước sinh hoạt làm hạn chế môi trường sinh sản của muỗi, từ đó giảm nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết.