Bên cạnh đó, thông tin bệnh do virus Zika xuất hiện trở lại khiến công tác phòng, chống bệnh của thành phố đang gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến giữa tháng 9, thành phố ghi nhận 11.000 trường hợp nhập viện vì sốt xuất huyết, tăng 32% so với cùng kì năm 2015. Hiện trung bình mỗi tuần có hơn 500 ca bệnh sốt xuất huyết mắc mới phải nhập viện. Thời điểm đỉnh dịch bệnh của năm 2015 ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh sốt xuất huyết mỗi tuần nhưng năm nay, con số này có thể sẽ tăng cao hơn nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Phun hóa chất khử trùng, tiêu độc tại các khu dân cư. Ảnh: TTXVN |
Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh dự báo, trong những tháng cuối năm 2016, sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, nguy cơ bệnh bùng phát trên toàn thành phố vẫn luôn hiện hữu. Đáng lưu ý, đỉnh dịch bệnh có thể rơi vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11, thời điểm khu vực miền Nam thường có lượng mưa lớn nhất trong năm.
Trong khi sốt xuất huyết liên tục gia tăng thì bệnh do vi rút Zika được Bộ Y tế xác nhận là đang lưu hành tại Việt Nam cũng là mối lo ngại lớn của Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, một người Đức sinh sống tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhiễm virus Zika càng chứng thực cho mối lo ngại này.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Dũng thừa nhận, mặc dù mới chỉ phát hiện một vài ca bệnh đơn lẻ nhưng do 80% người mắc bệnh do virus Zika không có triệu chứng điển hình nên khả năng nhiều người dân đã mắc bệnh nhưng chưa phát hiện kịp thời có thể xảy ra. Điều này khiến công tác phòng ngừa, khoanh vùng dịch đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo bác sĩ Dũng, điều khó khăn nhất hiện nay đối với ngành y tế vẫn là tình trạng chủ quan của người dân trong công tác phòng chống bệnh. Qua các cuộc khảo sát mới đây, Trung tâm y tế dự phòng Thành phố đã phát hiện có đến gần 3.440 điểm nguy cơ, chiếm hơn 30% tổng số điểm khảo sát có phát hiện lăng quăng. Trong năm 2016, cũng ghi nhận thêm 720 điểm nguy cơ mới phát sinh trên địa bàn. Vùng nguy cơ cao chủ yếu ở quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn…
Hiện nay, hoạt động phun hóa chất của ngành y tế chỉ giải quyết được khi mật độ muỗi nhiều và hiệu quả chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, để công tác phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết hiệu quả, giảm nguy cơ bùng phát, Trung tâm y tế dự phòng thành phố kêu gọi người dân cần chung tay với ngành y tế thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay tại nơi cư trú và làm việc.
Đinh Hằng – Hứa Chung (TTXVN)