Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đã gửi báo cáo về sự cố y khoa này đến Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và UBND tỉnh Nghệ An. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Sở Y tế Nghệ An đã yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An dừng ngay việc chạy thận nhân tạo, rà soát toàn bộ quy trình chạy thận để xác định nguyên nhân; triển khai khắc phục triệt để các nguyên nhân cho đến khi đảm bảo tuyệt đối an toàn, báo cáo Sở Y tế sẽ xem xét, đồng ý bằng văn bản mới được phép hoạt động chạy thận trở lại. Bệnh viện tổ chức theo dõi, điều trị, liên hệ thường xuyên với Bệnh viện Bạch Mai đảm bảo cố gắng tối đa trong việc điều trị cho các bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, đây là sự cố y khoa “xảy ra ngoài mong muốn”. Sau khi xảy ra sự cố, cách xử lý của kíp trực là kịp thời nên không có trường hợp nào nguy kịch đến tính mạng. Sở Y tế Nghệ An tiếp tục theo dõi, chỉ đạo bệnh viện cho tới khi xác định nguyên nhân dẫn tới sự cố, làm rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan nếu có sai phạm.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, sáng 2/8, tại phòng chạy thận nhân tạo thuộc Khoa Nội thận (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An) đã tạm thời đóng cửa, 21 máy lọc thận cùng hệ thống giường bệnh tạm dừng hoạt động. Các bệnh nhân không còn điều trị tại đây trong thời gian chờ kiểm tra hệ thống.
Tại buổi họp báo vào trưa 2/8, ông Trần Tất Thắng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, chiều 30/7, có 21 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại 21 máy ở Khoa Nội thận (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An). Trong quá trình chạy thận, có 6 bệnh nhân có biểu hiện sốc như rét run, đau đầu, mệt mỏi, sốt nhẹ. Ngay lập tức, các bác sĩ kíp trực đã dừng toàn bộ máy chạy thận, đồng thời chuyển bệnh nhân nặng đi cấp cứu.
Nhờ kịp thời cứu chữa, 3 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và xin ra viện song vẫn được các y, bác sĩ liên lạc theo dõi sát sao. Ba bệnh nhân nặng tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, có hai bệnh nhân được chuyển ra Hà Nội theo nhu cầu của gia đình và một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện. Do sự cố này, 135 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, Bệnh viện Quân y 4 và Bệnh viện Giao thông Vận tải để điều trị.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, việc điều trị cho các bệnh nhân chạy thận đều đúng theo 52 quy trình của Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bị sốc trên nền bệnh nhân có cơ địa yếu, do các bệnh nhân thường mắc thêm bệnh mãn tính khác như về tim mạch, suy tim…, ông Trần Tất Thắng cho biết thêm.
Để tìm nguyên nhân sự cố này, ngày 1/8, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiến hành kiểm tra và mời các chuyên gia, kỹ thuật viên từ Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội vào kiểm tra cụ thể. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũng đã kiểm tra chất lượng nước đầu vào, đầu ra của RO đồng thời gửi mẫu đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Hà Nội. Bệnh viện kiểm tra lại tất cả các quy trình chạy thận, rửa quả lọc, test acid tồn dư, tẩy máy pha acid citric 30%, acid MDT.
Được biết, hệ thống chạy thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An hoạt động 10 năm qua. Đây là lần đầu tiên ở Nghệ An xảy ra trường hợp nhiều bệnh nhân bị sốc khi chạy thận.