Sau khi bệnh nhân được thăm khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sỹ chẩn đoán, bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Theo các bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, khi phẫu thuật kiểm tra, ruột non đã bị dãn to, có khối bã thức ăn dài khoảng 15cm, có nhiều xương cá nhỏ găm từ giữa ruột vào thành ruột, gây tắc hoàn toàn lòng ruột. Kíp mổ đã tiến hành mở thành ruột lấy hết bã thức ăn ra, sau đó khâu đóng thành ruột và ổ bụng. Hiện tại, sau mổ 1 ngày, bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện.
Bệnh nhân Triệu Tạ N. chia sẻ: Do làm việc ở hồ cá, nên hàng ngày đều ăn cơm với các món ăn được chế biến từ cá (trong đó có gỏi cá sống với các loại lá chát…), do chủ quan, nên đã không nhai kỹ các xương nhỏ của cá. Trước khi nhập viện khoảng 1 tuần, bệnh nhân thấy đau bụng âm ỉ, bí trung tiện và đại tiện, nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám bệnh và điều trị.
Trong y khoa, tắc ruột được phân làm hai loại: tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn. Nếu bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn thì bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu ngay để giải phóng nơi bị tắc càng sớm càng tốt. Nếu tắc không hoàn toàn, trong một số trường hợp sự lưu thông trong ruột có thể tự thông lại được mà chưa cần phẫu thuật.
Như trường hợp bệnh nhân N. bị tắc ruột hoàn toàn, nếu không được phẫu thuật, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân dẫn đến tử vong.
Các bác sỹ khuyến cáo: Khi thấy các dấu hiệu như đau quặn bụng từng cơn, có khi đau liên tục kèm theo buồn nôn, nôn, bụng căng trướng và không trung tiện hay đại tiện được... Người bệnh cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được các bác sỹ thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.