Ngoài ra, thành phố có 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện, trong đó có 3 cơ sở cai nghiện dân lập và 10 cơ sở do nhà nước quản lý. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đang tổ chức cai nghiện cho 676 người, chủ yếu là những người mới nghiện, nghiện nhẹ và có khả năng kinh tế đóng góp các chi phí theo chế độ hạch toán lấy thu bù chi của các cơ sở này.
Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình hình phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng, có nhiều loại ma túy mới xuất hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ và phức tạp. Điều này khiến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai cũng gặp nhiều khó khăn.
Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nan giải nhất vẫn là tình trạng tái nghiện ở tỷ lệ cao. Thành phố sẽ xem lại quy trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng bởi sau thời gian cắt cơn người nghiện trở về với gia đình, cộng đồng thì chưa đủ để quên ma túy, rơi vào tái nghiện. “Khi đi thăm các cơ sở cai nghiện, bắt gặp các gương mặt cũ, các em tái nghiện lại được đưa vào đây, như vậy công tác cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng chưa thực sự hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Thu nhận định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát biểu chỉ đạo. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y
tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều
nỗ lực và thực hiện khá thành công công tác quản lý người
nghiện ma túy không có nơi cư trú. Tuy nhiên, thành phố cần tìm
giải pháp gia tăng hình thức cai nghiện tự nguyện có thu phí, đồng
thời kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực này như một số nước đã
thực hiện.
“Hiện
nay, nếu cứ phát hiện nghiện ma túy rồi đưa đi cai nghiện, sau
đó đối tượng lại tái nghiện. Trong khi đó, những người nghiện
ma túy thường hay mắc các bệnh đi kèm như bệnh lao, HIV… nên chi
phí cai nghiện rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, điều trị cai nghiện ma túy bằng chất thay thế Methadone vẫn là nền tảng chủ lực mà TP Hồ Chí Minh cần ưu tiên phát triển. Về lâu dài, cần phối hợp với ngành giáo dục, nhà trường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nhằm tránh việc học sinh bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp.
Trước đó, trong sáng 28/5, Đoàn công tác Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã kiểm tra và làm việc về công tác điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp và mô hình cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).