Nguy cơ xuất hiện ca mắc, ổ dịch
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước cũng ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Giải thích về tình trạng một số dịch bệnh gia tăng, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Vừa qua, nhất là giai đoạn dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi, ho gà… trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm. Đặc biệt, giai đoạn nguồn cung vaccine bị gián đoạn, thiếu vaccine khiến tỷ lệ tiêm chủng bị giảm.
Thời gian tới, các ca mắc, ổ dịch sởi, ho gà có thể tiếp tục gia tăng, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, và xuất hiện ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa sang hè, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, gây bệnh và lây lan thành dịch. Nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, rất dễ lây lan các dịch bệnh.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã có yêu cầu các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như: Sởi, ho gà, cúm gia cầm...
Đảm bảo vaccine phòng bệnh
Trước tình hình các dịch bệnh diễn biến gia tăng cùng lúc, tại các địa phương, công tác phòng chống dịch chú trọng việc dự phòng và dự trữ vaccine, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh cho người dân.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), hiện thành phố đã bảo đảm có đủ vaccine ho gà để tiêm phòng cho trẻ.
CDC Hà Nội khuyến cáo, với các trẻ đủ 2 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm đúng lịch. Đặc biệt, cần duy trì tiêm mũi tiêm nhắc lại vào các mốc thời gian cụ thể như: Khi trẻ 4-7 tuổi, 9-15 tuổi. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và những phụ nữ đang có ý định sinh con cũng cần tiêm mũi vaccine có thành phần ho gà. Với người lớn cần duy trì tiêm nhắc vaccine ho gà 10 năm nhắc lại 1 lần để đảm bảo kháng thể phòng bệnh.
Tại TP Hồ Chí Minh, hiện tại các điểm Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố cũng đã có đầy đủ các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vừa qua, Thành phố đã tiếp nhận thêm khoảng 13.000 liều vaccine 5 trong 1 (vaccine phối hợp dự phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Số vaccine này đã được phân bổ về các trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai tiêm chủng cho trẻ em.
Sau một thời gian bị gián đoạn một số vaccine, đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã có đầy đủ các loại vaccine tiêm cho trẻ em thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sở Y tế Thanh phố cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bù các loại vaccine cho trẻ em trên địa bàn để đảm bảo miễn dịch, chủ động phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm đã có vaccine.
Bộ Y tế cũng yêu cầu với những bệnh được dự phòng bằng vaccine như: Sởi, ho gà, bạch hầu... các địa phương cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh việc chủ động dự trữ vaccine, theo ông Hoàng Minh Đức, các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác, trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng, từ đó, tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét. Việc triển khai tiêm chủng cần đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024 sắp tới, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.
Sở Y tế các địa phương cũng xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024; tổ chức đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.