Theo đó, hiện mới chỉ có 12 quận, huyện đã có quyết định xử phạt như quận Bình Tân xử phạt 24 điểm, quận Thủ Đức 29 điểm, quận Tân Phú 12 điểm, huyện Hóc Môn 13 điểm... Còn 12 quận, huyện đã có đề nghị xử phạt nhưng chưa có quyết định xử phạt như quận 8, quận 3, quận 5, huyện Nhà Bè...
Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 12.217 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Ghi nhận 18/24 quận, huyện có số ca SXH nhập viện tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 133%, huyện Cần Giờ tăng 125%, Hóc Môn tăng 83%, Bình Tân tăng 64%...
Đại diện quận Bình Tân cho biết, trên địa bàn của quận có gần 1.841 điểm nguy cơ, trong đó có trên 300 điểm có lăng quăng. Quận đã triển khai các giải pháp cho từng điểm nguy cơ trên nhưng do đặc thù của địa bàn quận có số dân nhập cư đông, nhiều dự án đang xây dựng, khu đất trống... nên công tác triển khai phòng chống SXH còn gặp một số khó khăn. Trong thời gian tới quận cũng sẽ tăng cường công tác xử phạt hành chính đối với những đơn vị không chấp hành về phòng chống dịch bệnh.
Kiểm tra các điểm nguy cơ về SXH tại quận 12. |
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, để phòng chống dịch SXH, trong thời gian qua thành phố đã triển khai rất nhiều giải pháp. Trong đó, Trung tâm y tế dự phòng đã tập trung giám sát hỗ trợ các quận huyện phòng chống dịch SXH tại các phường, xã là điểm nóng dịch bệnh. Thông qua đó, Trung tâm y tế dự phòng Thành phố đã xác định được phạm vi xử lý ổ dịch, tổ chức chống dịch các khu vực giáp ranh liên phường, liên quận.
Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng đã thành lập 3 đoàn giám sát liên tục ở các phường xã, quận huyện. Nhờ triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, trong suốt 7 tuần gần đây, số ca nhập viện do mắc SXH tại TP Hồ Chí Minh đã chững lại và không có dấu hiệu gia tăng.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng hiện nay công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều hạn chế, như việc điều tra xử lý ổ dịch còn sót ca bệnh nên phạm vi xử lý chưa phủ hết ổ dịch. Việc truyền thông nguy cơ trong từng ổ dịch cụ thể, việc e dè trong triển khai xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi để phát sinh lăng quăng gây dịch SXH.
"Trong điều kiện thời tiết như hiện nay và sắp tới mưa nhiều hơn, nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt hơn thì có khả năng dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng", ông Dũng chia sẻ thêm.
Tại buổi làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh với các sở, ban ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 16/8, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao các quận, huyện đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chủ quan chưa vào cuộc quyết liệt. Qua nắm bắt tình hình 24 quận, huyện trên địa bàn vẫn còn để tồn tại hàng loạt những bãi rác, vệ sinh môi trường chưa tốt và đây có thể là ổ dịch bệnh.
"So với Hà Nội, số ca mắc SXH tại TP Hồ Chí Minh tăng thấp hơn nhưng so với năm trước số lượng mắc SXH vẫn tăng khá cao. Do đó, các đơn vị không nên chủ quan, nếu chủ quan trong việc phòng chống dịch SXH thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ khó lường. Trong thời gian tới, chúng ta phải tập trung tổng lực để kéo giảm dịch SXH, không để dịch bùng phát, nhất là trong thời điểm diễn ra sự kiện APEC tại TP Hồ Chí Minh. Để làm được điều này, các quận huyện phải quyết liệt hơn nữa. Nếu những tổ chức cá nhân không có ý thức chấp hành tốt phải có biện pháp chế tài, xử phạt", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị.