Theo đó, bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định, bệnh viện đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tiếp tục được củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác khi được yêu cầu.
Các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR phải sớm triển khai thực thực hiện xét nghiệm để tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố chưa đủ năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR cần chủ động liên hệ với các đơn vị có năng lực để gửi mẫu xét nghiệm; đồng thời phải có kế hoạch, thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để nâng cao năng lực, đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc, khẳng định virus SARS-CoV-2 trước ngày 31/12/2020.
Các bệnh viện thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt lưu ý tới người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch.
Đồng thời các bệnh viện cần tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm ca nhiễm SARS-CoV-2 đối với người đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ. Đặc biệt lưu ý tới người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo, điều phối hợp lý các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn trong tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm, tránh chồng chéo, lãng phí.