GIẢI BÀI TOÁN THIẾU HỤT NHÂN LỰC
Khi ốm đau điều ai cũng nghĩ tới là tìm đến bác sỹ giỏi. Địa chỉ được người dân lựa chọn thường là các bệnh viện lớn, phòng khám có tên, tuổi để khám chữa bệnh, chứ không mấy ai nghĩ đến trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện. Đó là thực tế ở Hà Nội và không ít địa phương khác nhiều năm trước đây.
Khó khăn nguồn nhân lực
Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% các trạm y tế của thành phố có đủ điều kiện chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% phòng khám đa khoa khu vực thực hiện tối thiểu 85% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định; 100 bệnh viện huyện thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.
Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã huy động theo mọi hình thức cũng như xây dựng cơ chế thu hút bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, toàn thành phố chỉ có 502/584 trạm y tế có bác sĩ biên chế, còn lại 82 trạm y tế có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện. Trạm trưởng Trạm y tế Tân Hội (Đan Phượng) Trần Thị Mai Hương cho biết, trạm đã được biên chế đủ định biên với 10 cán bộ y tế, có đủ chức danh nghề nghiệp. Khối lượng công việc nhiều, hoạt động song song mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, trong khi đó, trạm chỉ có 1 bác sĩ được đi học mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Bà Mai Hương đề xuất cần tăng cường mở các lớp đào tạo ngắn hạn về y học gia đình cho cán bộ trạm y tế và tăng cường đưa bác sĩ tuyến trên về cầm tay, chỉ việc.
Giải bài toán thiếu hụt
Trước bài toán thiếu hụt nhân lực có trình độ cao ở tuyến y tế cơ sở, khiến cho người bệnh thường xuyên vượt tuyến để khám, chữa bệnh, chia sẻ tại buổi làm việc của Bộ Y tế với Hà Nội ngày 22/5/2018 về xây dựng mô hình điểm tuyến y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, cùng với việc thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở. Đồng thời, tạo thuận lợi nhất cho người dân được khám bệnh, chữa bệnh phòng chống dịch bệnh, tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe hiệu quả ngay tại địa phương.
Để tăng cường đào tạo bác sĩ cho y tế xã, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên thông cho bác sĩ y học dự phòng. Từ năm 2013 đến nay đã thực hiện đào tạo cho 180 bác sĩ. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay đã cử 300 bác sĩ đa khoa đi học chứng chỉ 3 tháng về bác sĩ gia đình. Từ nay đến cuối năm 2018 tiếp tục cử 103 bác sĩ đa khoa đang công tác tại tram y tế đi học chứng chỉ bác sĩ gia đình, phủ kín toàn bộ 403 trạm y tế có bác sĩ đa khoa được học chứng chỉ bác sĩ gia đình. Cùng với đào tạo bác sĩ, ngành y tế tiếp tục chú trọng đào tạo y sĩ y học cổ truyền để người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng phương pháp y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền ngay tại trạm y tế.
Từ những cố gắng trên, y tế cơ sở ở Hà Nội đã đạt được kết quả nhất định. Nhiều trạm y tế đã thu hút được số lượng lớn người dân đến khám bệnh, chữa bệnh, số lượng khám trung bình từ 20 - 40 lượt/ngày. 100% các trạm y tế triển khai mô hình bác sĩ gia đình đã thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế, phối hợp với y tế tư nhân và Hội Đông y thành phố Hà Nội triển khai khám chữa bệnh tại trạm y tế, thu hút bệnh nhân về tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.