Các ca sốt xuất huyết chủ yếu là bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch.
Với 89 ca mắc, thị xã Nghi Sơn là địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở Thanh Hóa. Ngay khi xuất hiện ca mắc đầu tiên, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Trạm y tế các phường, xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết xung quanh nhà bệnh nhân, đồng thời phun hóa chất triệt để trong bán kính 200m. Thị xã Nghi Sơn cũng tiến hành tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống dịch đối với cộng đồng. Nhờ tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch nên đến nay cả các ổ dịch sốt xuất huyết đều đã được kiểm soát, không lây lan rộng.
Ông Lê Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn cho biết: Nghi Sơn là khu vực trọng điểm sốt xuất huyết ở Thanh Hóa do đây là địa bàn có sự giao thương đi lại rất lớn với các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, người dân địa phương có nghề làm mắm trong các lu, vại... là những vật dụng tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn, đẻ trứng, loăng quăng, bọ gậy phát triển. Năm nay ngay từ đầu mùa dịch, Trung tâm Y tế thị xã đã tập trung vào hoạt động giám sát, tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn giám sát kịp thời các ca mắc và nghi mắc sốt xuất huyết. Việc phát hiện sớm ca bệnh là yếu tố quan trọng giúp ngành y tế thị xã và chính quyền địa phương triển khai kịp thời các biện pháp khoanh vùng, bao vây, dập dịch.
Ông Long thông tin thêm, mặc dù tình hình dịch, bệnh đã được khống chế, tuy nhiên với thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, cùng với mầm bệnh sốt xuất huyết đã lưu hành tại địa phương thì nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại thị xã Nghi Sơn rất cao. Do đó, Trung tâm Y tế thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan giám sát, phát hiện kịp thời các ca mắc và nghi mắc để có biện pháp phù hợp, ngăn chặn sự lây lan của dịch, bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh quý 4/2023 cũng như chủ động điều tra véc tơ tại các ổ dịch, xã trọng điểm và xã nguy cơ để có cảnh báo kịp thời.
Còn tại huyện miền núi Thạch Thành, từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu từ cuối tháng 7 đến nay. Các ca bệnh đều được giám sát, phát hiện sớm và kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch nên không để lây lan thứ phát.
Ông Đặng Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành cho biết: Trung tâm y tế huyện đã phối hợp với trạm y tế xã, thị trấn chủ động các biện pháp giám sát dịch tễ ca bệnh, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, định kỳ hằng tháng thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải phòng, chống dịch bệnh. Ngành y tế huyện cũng thường xuyên khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, không để bệnh hình thành và bùng phát thành dịch.
Để dịch sốt xuất huyết không lây lan rộng. Ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ các ổ dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đáng lo ngại là từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng khá nặng; một số bệnh nhân diễn biến nặng do có bệnh nền, bệnh nhân đang điều trị bệnh khác bằng thuốc chứa corticoid liều cao hoặc phụ nữ đang mang thai. Trong đó, có không ít bệnh nhân nhập viện muộn do chủ quan, tự điều trị tại nhà.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Với các biện pháp chủ động, tích cực của các địa phương và đơn vị y tế, việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện hiệu quả, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần có sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.