Thay đổi cách tiếp cận trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Chiều 14/6, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã hội chẩn cho các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng ở Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc đặt tại Bắc Giang. Ảnh: BYT

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cùng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng chủ trì buổi hội chẩn tại điểm cầu Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19 (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế).

Tại buổi hội chẩn, điểm cầu Bắc Giang xin ý kiến về 2 trường hợp nặng là bệnh nhân N.T.T (67 tuổi, trước đó nằm điều trị ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang) chuyển đến Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang ngày 12/6. 

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, thở HFNC, tuy nhiên tình trạng suy hô hấp không cải thiện khi đặt nội khí quản, do đó các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành đặt ECMO, đồng thời chỉ định cho bệnh nhân dùng an thần giãn cơ, dinh dưỡng và vật lý trị liệu. Các bác sĩ cũng tiên lượng trường hợp này rất nặng, nguy cơ tử vong.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình đề nghị Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang sử dụng thuốc chống đông điều trị cho bệnh nhân sớm, lọc máu sớm, điều hòa nhằm giảm cơn bão cytokin.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.T.M (64 tuổi, trước đó cũng điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang), từ ngày 31/5-9/6, bệnh nhân thở HFNC. Ngày 12/6, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, an thần, giãn cơ, dinh dưỡng tích cực và vật lý trị liệu. Đối với bệnh nhân này, các chuyên gia đã lưu ý cần theo dõi số lượng tế bào máu ngoại vi hàng ngày, liên tục thực hiện xét nghiệm tế bào máu và đông máu…

"Phải tiếp cận bệnh nhân sớm, các cơ sở điều trị F0 phải kẹp SPO2 liên tục để tiếp cận sớm tình trạng nặng của bệnh nhân. Điều trị bệnh nhân COVID-19 phải toàn diện vì họ không chỉ bị tổn thương phổi mà còn có thể nhiều tổn thương khác, do đó cần phải lưu ý việc này trong quá trình điều trị”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.

Qua thực tiễn hội chẩn 2 ca bệnh tại đây, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình hết sức lưu ý các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là điều trị bệnh nhân nặng cần thay đổi cách tiếp cận trong điều trị, theo dõi sát các bệnh nhân có nhịp thở 20 lần/phút và phải chỉ định sử dụng thuốc chống đông sớm, không chờ bệnh nhân nặng lên vì như thế sẽ có thể khiến cho quá trình điều trị dài thêm.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh: Các bác sĩ phải vừa làm, vừa cầm tay chỉ việc, do đó các cơ sở điều trị cần tận dụng tối đa những gì đang có từ con người, cần mạnh dạn trong điều trị. Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế khẩn trương lập hệ thống theo dõi bệnh nhân có nhịp thở trên 20 lần/phút để theo dõi chặt chẽ. Trong trường hợp còn “lăn tăn” về hướng điều trị, cần nhanh chóng xin ý kiến các chuyên gia.

Điểm cầu Bắc Ninh xin ý kiến hội chẩn trường hợp bệnh nhân nam (69 tuổi ở Yên Phong) vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị ngày 19/5. Đến ngày 27/5, bệnh nhân được chỉ định thở HFNC; ngày 10/6, tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân tăng. Đến 21 giờ ngày 12/6, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, đến 7 giờ ngày 13/6, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Bệnh viện đã hội chẩn với chuyên gia và đặt ECMO ngay sau đó, đồng thời tiếp tục cho bệnh nhân an thần, thở máy, lọc máu liên tục. Bệnh nhân này đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lần gần nhất là ngày 7/6. Hiện tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân có xu thế giảm.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình đánh giá cao việc chủ động trong điều trị ca bệnh của tỉnh Bắc Ninh. Với trường hợp bệnh nhân này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình cho rằng, bệnh viện đã xử trí đúng khi chỉ định can thiệp ECMO cho bệnh nhân.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia cho rằng bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị và diễn biến phức tạp nhiều ngày và “chúng ta đã cố gắng trong điều trị nhưng phải xác định bệnh nhân này sẽ có các triệu chứng như bệnh nhân 91- nam phi công người Anh nên quá trình điều trị sẽ phức tạp”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình nhận định. 

Các bác sĩ cần quan tâm đến vấn đề tăng cường dinh dưỡng trong điều trị do bệnh nhân quá suy kiệt. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến xét nghiệm đông máu, sử dụng thuốc hạ áp động mạch phổi và tiếp tục can thiệp ECMO, các chuyên gia đề nghị.

Lê Hảo (TTXVN)
Hai cơ sở chuyên điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động
Hai cơ sở chuyên điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chiều 12/6, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi đã chính thức đi vào hoạt động, còn Đơn vị Điều trị COVID-19 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 13/6 nhằm giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN