Người đàn ông 60 tuổi mang quốc tịch Đức được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2009. Vào năm 2015, “bệnh nhân Berlin tiếp theo” được ghép tủy xương để hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu (một loại ung thư máu). Mặc dù nguy cơ tử vong là 10% khi sử dụng biện pháp này song đây lại được coi là phương thức hữu hiệu để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh. Vào cuối năm 2018, bệnh nhân này ngừng sử dụng thuốc kháng virus - loại thuốc làm giảm tải lượng HIV trong máu.
Các nhà nghiên cứu cho biết gần 6 năm sau, virus HIV không còn tồn tại trong máu của bệnh nhân và cũng không còn dấu hiệu của bệnh bạch cầu.
Christian Gaebler, bác sĩ, nhà nghiên cứu tại bệnh viện đại học Charite ở Berlin là người đang điều trị cho bệnh nhân nói trên. Bác sĩ cho biết nhóm nghiên cứu không thể khẳng định “hoàn toàn chắc chắn” rằng mọi dấu vết cuối cùng của virus HIV đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, bệnh nhân cảm thấy khỏe và trường hợp này làm dấy lên hy vọng về khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV/AIDS.
Sự kiện này được công bố trước khi diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 25 về HIV/AIDS được tổ chức tại thành phố Munich của Đức vào tuần tới.
Trước đó, ông Timothy Ray Brown - còn được biết đến với biệt danh “bệnh nhân Berlin” - là người đầu tiên được tuyên bố khỏi bệnh HIV/AIDS vào năm 2008. Tuy nhiên, vào năm 2020, ông Brown đã qua đời vì một căn bệnh ung thư máu.