Trước đó, vào chiều 17/3, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng (Lào Cai) tiếp nhận 11 người, trú tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, nhập viện với các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng đi ngoài.
Nguyên nhân được xác định do những người này cùng ăn nấm phân trâu - loại nấm độc mọc trên các bãi phân trâu, bò đã mục sau mưa. Sau khi được các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, truyền dịch và cho sử dụng thuốc tăng thải độc, đến nay sức khỏe các bệnh nhân đã hồi phục.
Theo anh Triệu Phúc Nhuần, một trong những nạn nhân bị ngộ độc, trưa 17/3, anh cùng nhóm bạn 12 người đi câu cá tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, thấy nhiều nấm mọc tự nhiên trên đồi nên đã hái về và chế biến thành thức ăn. Sau khi ăn được khoảng 1 giờ, 11 người ăn nấm (trong đó 1 người không ăn) đều có biểu hiện ngộ độc.
Tại Lào Cai, hằng năm, vào mùa Xuân, thời tiết rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển, đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong rất cao.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, dù người dân Lào Cai đã nhận thức được cách phòng chống ngộ độc nấm nhưng do chủ quan, chưa thay đổi được hành vi, thói quen ăn uống, chế biến không đảm bảo an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc.
Bà Nguyễn Thị Hải Anh khuyến cáo, hiện là mùa Xuân, các loại nấm mọc tự nhiên nhiều, tuy nhiên, rất khó xác định đâu là nấm độc. Do vậy, bà con chỉ nên ăn các loại nấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.