Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có 3 túi thuốc, đó là túi A gồm 2 loại thuốc hạ sốt và vitamin tổng hợp; túi B gồm thuốc kháng đông và kháng viêm; túi C là thuốc kháng virus Molnupiravir.
Theo quy trình, khi phát hiện F0, nhân viên trạm y tế lưu động sẽ tiếp cận và phát hai túi thuốc A và B. Túi thuốc A được phát dùng trong 7 ngày, túi thuốc B dùng trong 3 ngày. Trong đó, túi thuốc B là thuốc kháng đông và kháng viêm sử dụng trong điều kiện đặc biệt và được chỉ dẫn rất kỹ, khi gặp một trong các tình trạng như: khó thở, hồi hộp, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, SpO2 dưới 95…
Riêng đối với thuốc kháng virus Molnupiravir không phát cho bệnh nhân F0 mà nhân viên y tế sẽ giữ, khi tiếp cận F0, nhân viên y tế sẽ khám, tìm hiểu sơ bộ về tình hình của F0 và sẽ có chỉ định sử dụng hay không sử dụng loại thuốc này. Thuốc kháng virus Molnupiravir chỉ sử dụng cho F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
“Đây là thuốc nằm trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế và phải được kiểm soát chặt chẽ, bởi thuốc có một số chống chỉ định như phụ nữ mang thai, cho con bú… nên chỉ có nhân viên y tế mới được đưa ra chỉ định sử dụng thuốc”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi đến Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Trạm y tế và Trạm y tế lưu động về việc sử dụng thuốc Molnupiravir cho người F0 có triệu chứng nhẹ.
Theo đó, đối tượng sử dụng là người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên), độ tuổi từ 18 - 65 tuổi và đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ.
Người F0 có triệu chứng nhẹ gồm có các triệu chứng như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số trường hợp F0 đang cách ly theo dõi, điều trị tại nhà là 77.801 người, trong đó có 55.707 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 22.094 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 17.983 người.