Đề án đã giúp nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước từ 33,9% lên 35,4%; phát triển kinh doanh dược phẩm tiến tới xuất khẩu thuốc...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được Bộ Y tế bắt đầu triển khai cuối năm 2012 là một giải pháp hiệu quả giúp ngành dược nước nhà phát triển bền vững.
Trong những năm qua, ngành dược đã nỗ lực cố gắng, chủ động hội nhập quốc tế nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng, an toàn, hợp lý, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tỷ lệ dùng thuốc nội tăng Một quầy thuốc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), giai đoạn 1 (2012-2016) của Đề án đã thu được những thành quả bước đầu.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều tăng.
Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện Đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%; tỷ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và nay là 69,4%. Đặc biệt, nhiều tỉnh đã vượt mục tiêu Đề án khi tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như: Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng và Long An.
Đồng thời, sản xuất thuốc trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với 520 trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường.
Các nhà máy dược phẩm cũng đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm, các dạng bào chế công nghệ cao. Nhờ vậy, chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp không kém thuốc ngoại nhập, giá thành rẻ hơn.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, Việt Nam đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) của Tổ chức Y tế thế gới…
Bước đầu đáp ứng nhu cầu điều trị tại bệnh viện Nhà thuốc GPP tại bệnh viện Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Tiến sỹ Trần Viết Tiệp, Bệnh viện Việt Nam – Thụy điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết: Là bệnh viện đa khoa được xếp hạng loại 1 do Bộ Y tế trực tiếp quản lý, Bệnh viện Việt Nam – Thụy điển Uông Bí hiện có 880 giường bệnh kế hoạch và 1.169 giường thực kê; 2 trung tâm, 8 phòng chức năng, 20 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng và các bộ phận khác.
Năm 2016, bệnh viện tiếp nhận 47.146 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 254.000 bệnh nhân ngoại trú; ngày điều trị trung bình là 7,8 ngày; tiền thuốc trung bình/ngày điều trị là 98.800 đồng… Các bác sỹ của bệnh viện chỉ kê đơn thuốc mà người bệnh thực sự cần sử dụng để điều trị; sử dụng thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu, có đủ thông tin về thuốc; chọn thuốc đúng bệnh cho từng loại bệnh cụ thể; sử dụng thuốc đạt hiệu quả với chi phí sử dụng thấp; có phác đồ điều trị cụ thể…
Theo ông Trần Viết Tiệp, các công ty sản xuất thuốc trong nước đã xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh viện, thuốc phù hợp với mức chi trả của người bệnh. Thuốc sản xuất tại Việt Nam giá thành giảm 30-90% so với thuốc nhập khẩu và rẻ hơn từ 4-10 lần so với với thuốc biệt dược gốc. Đặc biệt, các bệnh viện đang sử dụng thuốc sản xuất tại các nhà máy công nghệ cao, được nhiều bệnh nhân tin tưởng, điều trị với mức độ an toàn cao…
Thạc sỹ Trần Túc Mã, Công ty cổ phần TRAPHACO chia sẻ: Trong quá trình tìm kiếm các nhà cung ứng, công ty ưu tiên lựa chọn nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin có chất lượng của Việt Nam. Đặc biệt, Công ty chú trọng khai thác phát triển thuốc từ dược liệu Việt Nam như: đinh lăng, actiso, rau đắng đất, bìm bìm, cây chè dây. Đầu năm 2017, công ty đã hoàn thành việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tân dược mới, hiện đại hàng đầu Việt Nam.
Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã được triển khai cụ thể với nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: khuyến khích các thầy thuốc kê đơn sử dụng thuốc Việt; có chủ trương yêu cầu các hội đồng thuốc xem xét ưu tiên lựa chọn sử dụng thuốc Việt Nam.
Đề án giai đoạn 2 đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng tỉ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến Trung ương đạt mức 30%; tại bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố là 50% và bệnh viện tuyến huyện là 75%.
Bài 2: Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội địa tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện