PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Bắc Ninh đang triển khai quản lý phần mềm tiêm chủng tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, 8 Trung tâm Y tế huyện và 126 trạm y tế xã, phường. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN. |
Những tiện ích mà hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia có thể đem lại cho người dân là gì, thưa ông?
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời, mà mỗi bé lại tiêm nhiều loại vắc xin và ở nhiều thời điểm khác nhau. Ngay người lớn cũng cần tiêm nhiều loại vắc xin để bảo vệ sức khỏe, ví dụ phụ nữ mang thai hay phụ trên 50 tuổi vẫn cần tiêm phòng vắc xin chống ung thư cổ tử vong… Việc tiêm nhiều vắc xin và nhiều lần như vậy đòi hỏi cán bộ tiêm chủng luôn phải giữ được các quyển sổ theo dõi, chưa kể rất mất công khi lật ra để tìm lại các vắc xin mà trẻ đã được tiêm…
Tương tự, đối với người dân, nhất là gia đình có con nhỏ thì cần phải giữ được quyển sổ tiêm chủng suốt đời, nhưng không phải gia đình nào cũng làm tốt việc bảo quản này. Nhiều trẻ sinh ra ở Hà Nội nhưng sống trong Thành phố Hồ Chí Minh, rồi lên miền núi để tiêm chủng nhưng cha mẹ không mang theo quyển sổ tiêm chủng nên các cán bộ y tế rất khó có thể biết lịch sử cháu đã tiêm vắc xin gì hoặc tiêm tiếp theo là mũi gì...
Do đó, Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vừa chính thức đi vào hoạt động thực sự là đột phát trong công tác tiêm chủng. Ngay sau khi em bé được tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh (hoặc bất tiêm loại vắc xin gì sau đó), Hệ thống sẽ tự động cấp cho em bé mới chào đời một mã ID duy nhất, liên thông dữ liệu trên toàn quốc trong điều kiện phân quyền quản lý, đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân.
Đặc biệt, Hệ thống sẽ đem lại nhiều các tiện ích cho người dân như: Chủ động đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhắn tin nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của người thân khi tham gia tiêm chủng; theo dõi được tình trạng tiêm chủng trẻ em khi nhập học cũng như suốt quá trình học tập của trẻ em trong nhà trường…
Qua Hệ thống này, cán bộ y tế tất cả các tuyến cũng luôn nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước cũng như từng tỉnh, huyện, xã/phường. Kịp thời phát hiện được những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ, các bản, làng, xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng thấp để triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân tham gia, nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho công tác tiêm chủng phòng bệnh.
Với những trẻ sinh trước năm 2016 thì thông tin tiêm chủng sẽ được cập nhật như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang tiến hành cập nhật thông tin cho các cháu sinh trong vòng 2 năm trở lại đây, bởi nếu cập nhật tất cả các trường hợp sinh trước 2016 là là rất khó khăn.
Sở dĩ cập nhật các trẻ trong 2 năm là bởi vì Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có tiêm mũi DPT (vắc xin bạch hầu,ho gà, uốn ván), tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi và vắc xin sởi, quai bị, rubella tiêm lúc 18 tuổi; nếu thống kê tốt thì đến thời điểm tiêm nhắc lại 2 mũi trên, các cháu đã có mã ID để được tiêm chủng và tiếp tục cập nhật thông tin.
Việc đưa hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc vào hoạt động đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Đây đúng là một việc cực kỳ khó khăn nhưng cần phải quyết tâm triển khai.
Thực tế, muốn Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng hoạt động hiệu quả thì 17.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc đều phải được trang bị ít nhất 1 máy tính/điểm (nếu đủ thì phải 3 - 4 máy tính/điểm). Bên cạnh đó, do hệ thống hoạt động online nên đòi hỏi các cơ sở y tế có đường truyền internet và phải có điện để đảm bảo việc kết nối liên tục.
Đặc biệt, cán bộ tiêm chủng tuyến y tế cơ sở thiếu kiến thức về công nghệ thông tin cũng đang là một vấn đề khó, nhiều người hiện làm tiêm chủng rất tốt nhưng lại nhiều tuổi, khả năng tiếp cận và nâng cao năng lực về công nghệ thông tin hạn chế...
Trước thực trạng này, chúng tôi đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chú trọng đầu tư, tâp huấn, thậm chí cầm tay chỉ việc, triển khai hỏi đáp trực tuyến, để hướng dẫn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở.
Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập huấn cho các địa phương về quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Vậy khi nào thì các bà mẹ được nhận tin nhắn nhắc nhở đến lịch tiêm chủng của con trẻ, thưa ông?
Từ năm 2016 đến nay, Hệ thống đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố với kết quả 100% xã, phường đã nhập thông tin của hơn 700.000 trẻ em trong 2 năm gần nhất, trên 1.400 đơn vị đã tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống. Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu đến ngày 1/6/2018 sẽ không còn sử dụng báo cáo giấy tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Riêng về việc nhắn tin, chúng tôi đang cố gắng đến tháng 6/2017, 5 tỉnh, thành phố thí điểm sẽ bắt đầu triển khai việc nhắn tin, thông báo lịch tiêm chủng đến các bà mẹ. Sau đó một thời gian, việc nhắn tin sẽ tiếp tục triển khai rộng trên toàn quốc.
Xin cảm ơn ông!