Với đề tài nghiên cứu “Thiết kế một loại keo có khả năng cầm máu, chống vi khuẩn và giúp làm lành nhanh vết thương", chị là một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất Việt Nam được trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới, là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu thành công loại keo giúp vết thương mau lành.
Loại keo "thông minh" do Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp nghiên cứu có thể dùng để cầm máu, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô, mang tới giải pháp tự tạm chữa vết thương hữu hiệu cho những người sống xa bệnh viện.
Tiến sỹ Hiệp chia sẻ, hiện nay các chấn thương nhẹ gây chảy máu như vết cắt, vết trầy nằm trên bề mặt da đều cần phải được điều trị kịp thời để tránh gây ra nhiễm trùng cho bệnh nhân. Keo dán sinh học được nghiên cứu thành công rất hữu ích đối với người sống xa bệnh viện như nông dân, ngư dân, bộ đội ở vùng biên giới, hải đảo khi họ chẳng may bị những vết thương. Ngoài ra loại keo này có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm áp lực di chuyển đến các bệnh viện ở thành phố lớn.
Keo cầm máu là một loại kích thích giúp phát triển mô, da, ngăn ngừa vi khuẩn, được hình thành chủ yếu bằng liên kết chéo axit hyaluronic (axit này có đóng góp đáng kể cho quá trình gia tăng và di chuyển tế bào) và chitosan (hữu ích trong tái tạo mô). Đồng thời có thêm các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin (bột nghệ) cho các mục đích ứng dụng cụ thể. Đây là hai loại bột, khi đổ vào môi trường nước tạo thành một loại keo và khi đắp vào vết thương có thể làm cho máu ngừng chảy.
Thực tế cho thấy, người dân ở nông thôn nước ta rất ít người biết cách khâu vết thương ngay tại chỗ. Nhưng trong những trường hợp này, họ có thể mua keo cầm máu để dự phòng hoặc dùng khi cần thiết, sau đó đến trạm xá hay bệnh viện để điều trị, tránh tình trạng lượng máu bị mất nhiều.
Để sản phẩm được đưa đến với người dân và tiêu thụ rộng rãi, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp cho rằng cần phải có nhiều dự án thử nghiệm trên quy mô lớn và sự quan tâm của nhà nước, để sản phẩm được sử dụng rộng rãi ra ngoài thị trường. Vì đây là loại keo rất hữu dụng, giá cả cũng rất hợp lý giao động khoảng 50 nghìn đồng/lần dùng.
Không chỉ nghiên cứu ra các loại keo sinh học, chị cùng đồng nghiệp còn nghiên cứu ra bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim, có thể sử dụng dễ dàng để thực hiện sơ cứu hiệu quả hơn. Các vật liệu sinh học và thiết bị y tế thông minh này có thể giúp mọi người chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Để theo đuổi đam mê nghiên cứu và có được thành công như ngày hôm nay chị đã trải qua không ít những khó khăn. Chị Hiệp cho biết, có những lúc chị phải bỏ tiền túi để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình, bản thân chị là phụ nữ chị phải chăm lo cho gia đình nên việc dành thời nghiên cứu khoa học cũng bị hạn chế hơn so với các nhà nghiên cứu nam, nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp để cân bằng cả hai bên gia đình và công việc. Chính vì vậy thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình gần như là không có... bởi đam mê nghiên cứu khoa học đã ngấm vào máu chị, vì thế dù vất vả đến thế nào chị cũng cố gắng vượt qua.
Mới 37 tuổi, Tiến sỹ Hiệp đã có 1 bảng thành tích thực sự đáng ngưỡng mộ, gồm 41 bài báo công bố quốc tế; gần 60 bài báo khoa học trong các hội nghị Quốc tế; 3 bằng sáng chế và 1 giải pháp hữu ích cùng nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Bên cạnh những bài báo đó, chị cũng nhận được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải nhất về Phát minh Khoa học Xuất sắc nhất năm về Nghiên cứu và Phát triển các Thiết bị phục vụ cho Phòng Nuôi cấy Tế bào, Đại học Soonchunhyang-2011; Giải thưởng cho nhà khoa học nữ (L’Oreal for Women in Science) về Biến tính bề mặt titanium bằng Col-I/Fn dùng phương pháp điện di: Khảo sát tính chất và hợp tính sinh học.L’Oreal Vietnam-2016; Giải nhất Giải thưởng ASEAN–US-2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh- mảng Sức khỏe cộng đồng, ASEAN-2017; Giải thưởng tài năng trẻ thế giới về Giải pháp sơ cứu cho người sống xa bệnh viện, L’Oreal-UNESCO-Pháp-2018….Gần đây nhất là tháng 12/2018, đề tài khoa học của chị đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2018.