Số ca mắc COVID-19 giảm
Từ 17 giờ ngày 5/9 đến 17 giờ ngày 6/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.481 ca nhiễm mới, gồm 4 ca nhập cảnh và 12.477 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 8.099 ca trong cộng đồng. Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 624 ca.
Tính từ đầu vụ dịch đến nay Việt Nam có 536.788 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.457 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 532.490 ca, trong đó có 298.3 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 6/9, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.730 ca. Đến nay có tổng số ca được điều trị khỏi là 301.457 ca. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.407 ca.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 311 ca tử vong. Như vậy tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.5 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
TP Hồ Chí Minh sẽ nới lỏng giãn cách nếu kiểm soát được tình hình trước ngày 15/9
Tối ngày 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện trong số đặc biệt của chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề: “Những định hướng lớn của TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9".
Trả lời câu hỏi của nhiều người dân về việc khi nào Thành phố nới lỏng giãn cách tại buổi livestream, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, vừa qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thành phố phải tiến hành các biện pháp hạn chế di chuyển, cách ly, sinh hoạt, sản xuất... gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, kinh tế xã hội của người dân; tuy nhiên, do chủng Delta diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh nên việc ứng phó đôi lúc chưa kịp thời. Khi TP Hồ Chí Minh hiểu quy luật của chủng này và tiến hành biện pháp giãn cách, một số nơi làm kịp thời, triệt để thì đã có cải thiện. Gần đây, Thành phố thực hiện giãn cách nghiêm và khẩn trương xét nghiệm tìm F0 để tách khỏi cộng đồng, ngăn nguồn lây và qua đó cũng đã có diễn biến tốt.
"Nếu thực hiện các biện pháp này tập trung, quyết liệt, đồng bộ hơn thì thời gian sắp tới có thể cải thiện tình hình. Hiện nay, Thành phố đang đánh giá và chuẩn bị phương án để nếu đến ngày 15/9 đạt được các mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ có phương án nới lỏng giãn cách", ông Phan Văn Mãi cho biết.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên Thành phố sẽ còn tiếp tục giãn cách. "Tùy thuộc vào tình hình chúng ta kiểm soát dịch bệnh ra sao nên chưa thể có mốc thời gian cụ thể là 15/9 hay đến tháng 10. Người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng dịch để cùng chính quyền ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất và khi đó chúng ta sẽ có các biện pháp nới lỏng sớm hơn”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Theo ông Phan Văn Mãi, từ nay đến ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như từ 23/8 đến nay. Tuy nhiên, Thành phố cũng sẽ có 2 điều chỉnh: Thứ nhất là hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng được mở đến xã, phường, thị trấn và người dân ở "vùng đỏ" sẽ được shipper đi chợ, ở "vùng xanh" người dân có thể đi chợ 1 lần/tuần.
TP Hồ Chí Minh: Từ ngày 7/9, chợ Bình Điền sẽ mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trở lại
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tổ chức lại điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền từ 7/9 để tiếp nhận vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về thành phố tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, việc tổ chức lại các điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền nhằm giúp các thương nhân đưa hàng hóa về cung ứng tại các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể... Đây cũng là một trong số các phương án được triển khai lần lượt nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân sau ngày 15/9.
Xét nghiệm toàn bộ người dân Hà Nội trong vòng 1 tuần
Tối 6/9/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công điện gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, Hà Nội sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tập trung tăng tốc thực hiện một số nội dung:
Mục tiêu là trước ngày 15/9/2021 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19. Nguyên tắc thực hiện: Phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.
Xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn Thành phố để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccibe phòng COVID-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vắc xin được phân giao của Bộ Y tế.
Căn cứ vào số đối tượng xét nghiệm, tiêm vắc xin trên địa bàn, tăng cường tối đa các điểm lấy mẫu, điểm tiêm và lực lượng lấy mẫu, tăng cường tiêm ngoài giờ, vào buổi tối để đảm bảo hoàn thành tiến độ của Thành phố.
Củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sỹ” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị theo sự chỉ đạo thống nhất của Sở Chỉ huy Thành phố.
Tạo điều kiện tối đa cho người dân đảm bảo các sinh hoạt hàng ngày đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu khác. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Khởi động ngay việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế tại các vùng xanh, vùng vàng và tiến tới trên toàn địa bàn Thành phố từ ngày 15/9/2021.
'Vùng xanh' Gia Lâm được phép bán hàng ăn trở lại
Sau một thời gian dài phải đóng cửa phòng chống dịch, ngày 6/9, các cửa hàng ăn được mở cửa trở lại tại khu vực vùng xanh ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), với hình thức bán mang về.
Từ sáng 6/9, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã nới lỏng các hoạt động xã hội hơn những ngày trước, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã, thị trấn "vùng xanh" trên địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, trưa ngày 6/9, tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ, nhiều cửa hàng bắt đầu dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị cho việc kinh doanh trở lại. Có quán cơm, đồ ăn sẵn đã mở cửa phục vụ nhu cầu người dân.
Thông tin về vụ một người tử vong trong vùng phong toả
Ngày 6/9, UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã có báo cáo về việc người đàn ông 40 tuổi tử vong tại khu phong tỏa (thôn Thọ Am, xã Liên Ninh), âm tính với COVID-19.
Tại Báo cáo số 507/BC-UBND, ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, nạn nhân tử vong là anh N.H.D., 40 tuổi, sống tại thôn Thọ Am (xã Liên Ninh).
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND huyện đã đặt Sở Chỉ huy tiền phương tại thôn, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì phân công 1 tổ y tế trực 24/7 tại đây để hỗ trợ công tác y tế phục vụ phòng chống dịch.
Trước đó vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 2/9, bác sĩ của tổ y tế nhận được cuộc gọi của dược sĩ thôn Thọ Am yêu cầu đến khám cho anh D. Bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày, đang tự điều trị. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, chẩn đoán viêm dạ dày, nên đã tiêm và cấp thuốc. Đồng thời các bác sĩ hướng dẫn gia đình theo dõi và gia đình không có nguyện vọng đưa bệnh nhân đi khám tại bệnh viện.
Đến 2 giờ ngày 3/9, người nhà bệnh nhân báo lại anh D. đã bớt đau bụng, đỡ đầy, chướng bụng. Tổ y tế hướng dẫn nếu có triệu chứng bất thường liên hệ ngay với đội đáp ứng nhanh. Khoảng 23 giờ ngày 3/9, anh D. lại đau âm ỉ vùng bụng dưới, ăn uống được, gọi điện thông báo và được đội đáp ứng nhanh hướng dẫn tiếp tục dùng thuốc theo đơn.
Đến 7 giờ 10 phút ngày 5/9, bệnh nhân bất tỉnh, nôn nhiều. Tổ đáp ứng nhanh phối hợp với bác sĩ của trạm y tế đến xử trí cấp cứu. Người nhà cho biết bệnh nhân ăn uống được, bụng đầy chướng ít, ngoài ra không có triệu chứng bất thường nên đã không gọi báo cho tổ y tế.
Đến 7 giờ 40 phút cùng ngày, xe cấp cứu của Trung tâm y tế đến hỗ trợ cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân qua chốt đầu làng thôn Thọ Am rồi được chuyển sang xe cấp cứu 115. Đến 8 giờ, bệnh nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.
Công an huyện Thanh Trì phối hợp Viện kiểm sát nhân dân huyện, UBND xã, Viện khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an tiến hành các biện pháp điều tra, khám nghiệm tử thi theo quy định. Huyện Thanh Trì đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với anh D., cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sáng 6/9, lãnh đạo huyện Thanh Trì và xã Liên Ninh đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.