Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, Giám đốc chương trình sốt rét của WHO Pedro Alonso cho biết cuộc chiến chống căn bệnh sốt rét trên toàn cầu đã đạt tiến bộ lớn trong thập kỷ qua, song đang có dấu hiệu đình trệ, đặc biệt trong hai năm trở lại đây khi mỗi năm WHO ghi nhận có hơn 400.000 trưởng hợp tử vong do căn bệnh này cũng như hơn 200 triệu trường hợp nhiễm bệnh. Nếu cuộc chiến này vẫn không có bước đột phá thì sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ mắc bệnh vào năm 2020 và giảm 90% tỉ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra vào năm 2030.
Báo cáo của WHO đánh giá, khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi là nơi bệnh sốt rét hoành hành mạnh nhất, theo đó 90% các ca tử vong liên quan sốt rét trong năm 2018 nằm ở khu vực trên. WHO cho rằng sở dĩ châu Phi có số người tử vong cao do cuộc sống nghèo khổ, tình trạng thiếu dinh dưỡng và dịch vụ y tế tại đây. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt rét tăng mạnh.
Theo ông Pedro Alonso, để đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2030, thế giới cần phải đầu tư 34 tỉ USD để chống lại căn bệnh sốt rét, trong đó tập trung vào cải thiện việc chăm sóc sức khỏe, thực hiện tiêm phòng và giám sát nguy cơ. Chỉ sau khi đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2030, WHO mới có thể theo đuổi mục tiêu thế giới không có bệnh sốt rét.
Tổng giám đốc WHO Tedro Adhanom Ghebreyesus cho rằng nếu đạt được mục tiêu thế giới không có bệnh sốt rét thì đây sẽ là thành tựu lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Ông tin rằng với các công cụ và phương pháp tiếp cận mới, WHO có thể biến mục tiêu này thành hiện thực.