Theo đó, TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm vắc-xin ComBE Five từ ngày 11/02/2019 và đến ngày 21/3/2019 đã có 6.153 lượt trẻ được tiêm chủng vắc-xin này, trong đó có 4.909 trẻ tiêm mũi thứ 1, có 779 trẻ tiêm mũi thứ 2 và 465 trẻ tiêm mũi thứ 3.
Trong số các trẻ được tiêm chủng vắc-xin ComBE Five tại thành phố vừa qua, ghi nhận 597 trường hợp xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… chiếm tỷ lệ 9,7% tổng số mũi tiêm, đặc biệt không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Nhằm hạn chế các rủi ro trong quá trình tiêm chủng, trong tháng 1/2019, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức 10 lớp tập huấn cho tất cả các cơ sở tiêm chủng mở rộng gồm 24 trung tâm y tế quận huyện, 319 trạm y tế phường xã và 14 bệnh viện, trung tâm chuyên khoa không giường bệnh. Các lớp tập huấn được đào tạo kỹ về tư vấn, khám, chỉ định tiêm chủng và theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Trong tháng 2/2019, Sở Y tế đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế về khám, chỉ định trước tiêm chủng, theo dõi – xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Cũng trong công văn này, Sở Y tế chỉ đạo mỗi trẻ đến tiêm chủng bất kỳ vắc-xin nào đều phải tuân thủ theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và phải được cung cấp một bản hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau tiêm chủng tại nhà ít nhất 48 giờ. Đây là một biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sau tiêm chủng, giúp phụ huynh yên tâm hơn khi đưa con đi tiêm chủng.
Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng khuyến cáo các gia đình có trẻ em (không phân biệt thường trú hay tạm trú) cần liên hệ trạm y tế nơi cư ngụ để được tư vấn về tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng bắt buộc.
Tất cả trẻ em sinh ra đều được quyền tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu cha mẹ có nhu cầu sử dụng vắc-xin dịch vụ vẫn phải tuân thủ lịch tiêm chủng bắt buộc đã được quy định tại Thông tư /2017/TT-BYT của Bộ Y tế để bảo vệ trẻ trước những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong những năm đầu đời.