ThS.BS Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2014 đến năm 2020 giảm nhiều so với giai đoạn năm 2011 – 2013. Trong vòng 6 năm qua, thành phố không có ca tay chân miệng tử vong.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca bệnh tay chân miệng đã tăng gần gấp đôi so với trung bình cùng kỳ từ năm 2017-2020. Đáng lưu ý, số ca bệnh tay chân miệng nặng (độ 2B trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng.
Theo thông tin từ khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc tay chân miệng nhập viện trong tuần này tăng so với những tuần trước. Hiện trong khoa đang điều trị cho 42 trẻ mắc tay chân miệng; trong đó có 3 ca độ 3 và 9 ca độ 2B, phải nằm phòng cấp cứu với một số biến chứng như tăng huyết áp, giật mình…
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng với xu hướng gia tăng các ca bệnh có biến chứng nặng giống như đợt dịch tay chân miệng vào năm 2011. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, có 2 điều cần lưu ý trong mùa bệnh tay chân miệng năm nay. Một là, số trẻ mắc tay chân miệng trên 3 tuổi nhiều hơn trước (thường bệnh này chủ yếu trẻ dưới 3 tuổi bị nặng). Nguyên nhân có thể vì năm ngoái, các biện pháp phòng chống COVID-19, cách ly xã hội, trẻ không đi học nên dịch bệnh tay chân miệng gần như mất luôn, vì vậy số trẻ không có miễn dịch trong cộng đồng sẽ nhiều hơn.
Hai là, phụ huynh hiện nay hiểu rõ về căn bệnh, biết cách chăm sóc trẻ và bệnh này đa số chỉ bị nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo tay chân miệng có khả năng trở nặng nếu thấy con có dấu hiệu nặng lên thì phải đưa đến bệnh viện ngay.
Trước tình hình gia tăng số bệnh nhân tay chân miệng, ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế phụ trách công tác phòng, chống dịch; ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch; phát triển các công cụ tiện ích trên các phần mềm, ứng dụng sẵn có phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi, xử lý ca bệnh, ổ dịch; Kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, cộng đồng.
Trước đó, tại cuộc họp với các chuyên gia chuyên ngành bệnh truyền nhiễm, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông đến người dân về dịch bệnh tay chân miệng, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế, rà soát lại cơ số vật tư y tế để đối phó nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng. Ngành y tế cũng sẽ phối hợp với ngành giáo dục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học.
Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát là tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.