TP Hồ Chí Minh cảnh báo trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng

Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện đang có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Một tuần có tới 640 trẻ mắc

Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh. 

Bệnh tay chân miệng có khả năng lây cao nhất trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, vi rút có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó và dễ lây lan trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ.

Chú thích ảnh
Số trẻ nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng liên tục gia tăng từ giữa tháng 9 đến nay.

Nếu như trước đây, trong giai đoạn giãn cách xã hội hầu như không có ca mắc tay chân miệng thì đầu tháng 9 đến nay, khi học sinh bắt đầu đi học trở lại, số trẻ nhập viện vì mắc tay chân miệng gia tăng mạnh.

Chăm cô con gái 3 tuổi đang nằm điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) chị L. T. H (ngụ Lâm Đồng) cho biết: “Bé nhà tôi mới đi học được 2 tuần thì sốt nhẹ, bé làm biếng ăn. Tôi nghĩ bé bị sốt thông thường nên cho bé uống hạ sốt, tuy nhiên càng về sau bé kêu đau miệng và nổi mụn nước nên tôi đưa bé đi khám thì bác sĩ nói bé bị tay chân miệng. Ở trường con tôi học, nhiều bé bị bệnh này lắm. Phụ huynh sợ con bị lây nhiễm nên cũng cho con nghỉ học”.

Qua ghi nhận tại một số bệnh viện nhi TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong những tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị liên tục gia tăng. Tại khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 50 trẻ bị tay chân miệng. Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó khoa Nhiễm -Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết từ giữa tháng 9, trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện bắt đầu tăng lên. Trong đó, nhiều trẻ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác và đưa đến bệnh viện trễ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Chú thích ảnh
Bệnh tay chân miệng dễ lây lan, nhất là trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ...

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám bệnh đang tăng lên và hiện có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện điều trị. Tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, khoảng hai tuần qua bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng. Hiện tại, trong khoa này đang điều trị cho 19 trẻ.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, Thành phố ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng. Hiện Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do mắc tay chân miệng. Tính riêng trong tuần 39, ghi nhận 640 ca bệnh, là số ca bệnh cao nhất trong tất các tuần tính từ đầu năm đến nay và tăng hơn 50% so với những tuần trước đó.

“Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện ở mức độ cảnh báo gồm quận 9, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh. Đây là số liệu đáng báo động và chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng”, bác sĩ Thảo Tâm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin.

Cần theo dõi và nhập viện sớm

Chú thích ảnh
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Trước tình hình dịch tay chân miệng đang gia tăng và nhằm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bùng phát, UBND huyện Bình Chánh đã có công văn gửi đến các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Theo đó, UBND huyện Bình Chánh đề nghị ban giám hiệu các trường tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường; tổ chức tầm soát trẻ bệnh mỗi ngày vào đầu giờ, cập nhật sổ sách, biểu mẫu báo cáo theo dõi trẻ bệnh và thực hiện báo cáo cho Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện, phòng Giáo dục và Đào tạo kịp thời.

UBND huyện Bình Chánh đề nghị Trung tâm Y tế huyện phối hợp phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho ban giám hiệu, nhân viên y tế các trường trên địa bàn huyện về nội dung phòng, chống tay chân miệng, sốt xuất huyết và các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học; chủ động trang bị đầy đủ hóa chất vệ sinh, khử khuẩn, kịp thời xử lý khi có ca bệnh; chỉ đạo các Trạm y tế có nhiệm vụ báo cáo khi phát hiện trên 2 ca tay chân miệng tại một trường hoặc nhóm trẻ trong thời gian 14 ngày và thực hiện báo cáo hàng ngày đến hết 14 ngày kể từ ngày khởi phát ca cuối cùng.

Chú thích ảnh
Trẻ bị tay chân miệng lòng bàn tay, chân thường bị nổi các nước.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới ba tuổi, độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Đa số trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng.

"Có thể đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhà xem có đúng không. Trẻ có dấu hiệu nặng khi sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39 độ C, uống thuốc khó hạ, hay nôn ói, nhợn ói, cần đưa đi bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng khi giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nảy người, không giống với giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu, không đi vững, tay chân yếu, người run, cần đưa đi bệnh viện gấp. Bệnh quá nặng khi trẻ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục khó hạ (không giảm khi uống thuốc hạ sốt), giật mình chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, trẻ lừ đừ, li bì hoặc không tiếp xúc, co giật, da xanh tái, thở mệt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ba mẹ thấy lo lắng… phải đưa trẻ nhập viện ngay.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Lâm Đồng tập trung xử lý các ca bệnh tay chân miệng mới xuất hiện
Lâm Đồng tập trung xử lý các ca bệnh tay chân miệng mới xuất hiện

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, ngày 16 và 17/9, trên địa bàn huyện Cát Tiên và thành phố Đà Lạt phát hiện 2 ổ bệnh chân tay miệng tại trường học, với 24 trường hợp mắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN