Bệnh nhi là bé gái H.A. (ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) sốt cao liên tục 3 ngày, ho và tiêu chảy nhiều lần. Đến ngày thứ 4, bé nhập viện tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, được đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả xét nghiệm PCR dịch hút phế quản ghi nhận tác nhân cúm A/H1 của chủng đại dịch 2009 (hay còn gọi là cúm A/H1N1, cúm mùa). Các bác sĩ hội chẩn và chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì tím tái, SpO2 (nồng độ oxy máu) khoảng 80-82%. Kết quả X-quang phổi ghi nhận tình trạng tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, xẹp đỉnh phổi. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển nặng do cúm A/H1. Trẻ được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Tuy nhiên, diễn tiến bệnh của bệnh nhi phức tạp, nhiễm trùng nặng, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao, các bác sĩ buộc phải đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, được cai ECMO, máy thở và dần tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm A/H1N1 chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Tuy không nguy hiểm như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, những người nhiễm cúm A/H1N1 hay virus cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Tại Việt Nam, năm 2009 dịch cúm A/H1N1 bùng phát mạnh khiến hơn 10.000 người mắc và hàng chục người tử vong. Hiện, bệnh do cúm A/H1N1 có thể phòng ngừa bằng vaccine cúm thông thường.