Tình huống giả định được đặt ra như sau: Trong khoảng thời gian nghỉ Tết (từ ngày 20/1/2023 đến ngày 26/1/2023), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) xác định, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một biến thể phụ mới của chủng Omicron. Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các bệnh viện đa khoa có số ca mắc COVID-19 gia tăng (gấp 3 - 4 lần so với thời gian trước đó), hầu hết là có triệu chứng và số ca nặng cần thở oxy tăng. Khoa COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã sử dụng hết 50 giường (trong tổng số 70 giường hồi sức), các khoa/đơn vị điều trị COVID-19 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố đã sử dụng gần 50% công suất giường bệnh.
Trước tình hình này, Ban Giám đốc Sở Y tế lập tức triệu tập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Y tế Thành phố, cuộc họp đã thống nhất báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố cho kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến số 13 để thu dung và điều trị các trường hợp COVID-19 nặng cần hồi sức tích cực. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã đồng ý và yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo toàn ngành Y tế phối hợp để kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến số 13 với quy mô 100 giường hồi sức tích cực trong vòng 24 giờ để tiếp nhận người bệnh nặng, tùy theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh chủ động điều chỉnh quy mô của Bệnh viện Dã chiến số 13 nhằm đảm bảo luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử trí hiệu quả người bệnh nặng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do COVID-19.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cùng với diễn tập tình huống, Sở Y tế đã chuẩn bị thuốc, trang thiết bị y tế gồm: 100 giường hồi sức, 100 máy thở, 100 monitor, hai máy X-Quang di động. Bên cạnh đó, tình huống dịch bệnh tăng cao sẽ huy động thiết bị có sẵn từ các bệnh viện trên địa bàn. Để chăm sóc 100 người bệnh nặng cần có 54 bác sĩ (trong đó có ít nhất 27 bác sĩ được đào tạo về hồi sức cấp cứu) và 108 điều dưỡng, do đó Sở Y tế đã lên danh sách điều động nhân lực chuyên môn từ các bệnh viện. Bên cạnh đó, Sở Y tế tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố tăng cường nhân lực phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 13 do Bộ Tư lệnh điều động (dự kiến ít nhất 40 chiến sĩ) và nhân lực đảm bảo an ninh trật tự do UBND huyện Bình Chánh điều động. Mặt khác, Sở Y tế huy động nhóm chuyên viên phụ trách công tác nhận định tình hình và diễn tiến dịch COVID-19, nhóm chuyên gia hỗ trợ tư vấn từ xa, nhóm điều phối và chuyển người bệnh nặng về Bệnh viện Dã chiến số 13, nhóm hỗ trợ nhân lực và công tác hậu cần…
“Bệnh viện Dã chiến số 13 được thiết lập riêng để hồi sức các ca COVID-19 nặng, lâu nay được chúng tôi giữ ở trạng thái “ngủ” và sẵn sàng “đánh thức” hoạt động trở lại khi dịch bệnh bùng phát. Việc diễn tập tình huống COVID-19 tăng cao mang ý nghĩa quan trọng trong việc sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung, điều trị của Thành phố và nhân viên y tế cũng trên tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Theo ông Tăng Chí Thượng, mặc dù tình hình mắc COVID-19 trên địa bàn hiện nay đang ở mức thấp nhưng trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, vì thế người dân không nên chủ quan. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước mắt chắc chắn có lưu lượng đi lại, giao lưu nhiều và nhiều hoạt động tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất lớn. Người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế, đồng thời tiêm đủ mũi vaccine để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 45 điểm viêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết để phục vụ người dân.