Theo ghi nhận tại khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), số trẻ đế khám và điều trị tăng đột biến. Đặc biệt, tại khoa này cũng rơi vào tình trạng quá tải khi trong khoa chỉ có 140 giường bệnh nhưng lại có tới 400 bệnh nhi nằm điều trị.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hàng năm ở các tỉnh phía Nam vào tháng 8 -11 là đỉnh điểm của bệnh liên quan đến đường hô hấp. Do đó, vào thời điểm này các bệnh viện nhi thường rơi vào tình trạng quá tải.
Theo bác sí Trần Anh Tuấn, đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhi ở các bệnh viện giảm nhiều. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại số lượng bệnh nhân đã tăng lại theo quy luật cũ. Trong đó, 70% trẻ đến khám do nhiễm trùng hô hấp, viêm hô hấp như cảm, ho, viêm họng. Những trường hợp nhập viện đa phần là trẻ mắc bệnh hô hấp nặng như viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Song song đó, những nhóm bệnh dị ứng của bệnh hô hấp cũng tăng như viêm mũi xoan dị ứng, đặc biệt trẻ mắc bệnh về hen suyễn cũng dễ bị lên cơn và phải nhập viện cấp cứu. “Trong phòng cấp cứu có hơn 30 trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở oxy. Đây cũng là con số kỷ lục trẻ thở máy từ đầu mùa tới nay”, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin thêm.
Tình trạng trẻ nhập viện liên quan đến hô hấp tăng cũng diễn ra tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố và bệnh viện Nhi đồng 2. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số lượt khám chữa bệnh tăng mạnh từ 8.075 đến 8.237 ca/ngày, gần bằng ngày cao điểm nhất của tháng 9/2019. Các bệnh khiến trẻ đi khám nhiều nhất là viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, viêm phổi...
Không chỉ riêng hô hấp mà các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang lưu hành. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu tăng sau nhiều ngày chững lại. Trong tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 886 ca tay chân miệng. Trong đó Quận 5, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Cần Giờ, ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng trên mức độ cảnh báo.
Để phòng bệnh, bác sĩ Trần Anh Tuấn khuyến cáo, phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi tiêu cực của thời tiết (cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ; khi trời nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ). Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc và theo dõi sát sao, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh.
Về biện pháp lâu dài, cần đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, tránh khói thuốc lá... Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch.