Cụ thể, trong tuần 27, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.614 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước (716 ca). Các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, Quận 6 và Quận 8.
Trước đó, tại buổi họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, so với cùng kỳ những năm trước, số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn thấp hơn nhưng đáng lo ngại là sự xuất hiện của chủng EV71 đã từng gây dịch bệnh chết người tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tuy số ca bệnh thấp hơn nhưng tỷ lệ bệnh nặng lại tăng.
Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị, lập các tổ chuyên gia điều trị bệnh. Định kỳ, ngành y tế Thành phố sẽ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, trong tuần qua, số ca bệnh cũng tăng lên 32% so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần 27, Thành phố ghi nhận 273 ca, tăng 180 ca so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện có số ca sốt xuất huyết tăng gồm Quận 1, huyện Bình Chánh, Quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân.
Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang tiếp tục tăng nhanh, ngành y tế khuyến cáo, để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến.
Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.