Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, một phụ huynh ngụ tại tỉnh Gia Lai đã đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tuy nhiên, khi khai báo y tế bắt buộc, người này khai địa chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó trường hợp này được xác định thuộc diện F1 (do tiếp xúc với người mắc COVID-19 trước đó, đang được truy vết). Ngay khi nhận được thông tin, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã trích xuất camera, cách ly 20 nhân viên y tế và làm xét nghiệm khẩn cấp. Rất may, sau đó trường hợp này và các nhân viên y tế đều đã âm tính với SARS-CoV-2.
Từ thực tế trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người dân khi đến cơ sở y tế; đồng thời kêu gọi người dân cần khai báo y tế một cách trung thực, chính xác.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khai báo y tế trong sàng lọc COVID-19 chỉ phát huy tác dụng khi người khai báo trung thực và nội dung khai báo luôn được cập nhật kịp thời, nhất là yếu tố dịch tễ. Do đó, khai báo y tế khi đi khám bệnh tại các bệnh viện phải được xem là một trách nhiệm đối với xã hội của người khai báo và trách nhiệm của bệnh viện trong tổ chức, thực hiện.
Nhằm phát huy những ưu điểm của khai báo y tế điện tử và khắc phục những nhược điểm hiện hữu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, triển khai chuyển đổi số công tác khai báo y tế tại các bệnh viện bằng một phần mềm thống nhất. Ứng dụng khai báo y tế được tích hợp vào apps “Tra cứu KCB” của Sở Y tế để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Sau khi tra cứu nơi khám, chọn nơi khám, người dân sẽ khai báo y tế đã được tích hợp trên ứng dụng này. Trường hợp chưa cài đặt apps thì người dân chỉ cần quét QR code tại các cơ sở y tế để khai báo được nhanh chóng.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 4/2, trên địa bàn Thành phố không phát sinh thêm ca mắc COVID-19 nào. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các địa phương có dịch, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 798 trường hợp đến từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và các địa điểm do Bộ Y tế công bố; trong đó có 1 trường hợp dương tính (là bệnh nhân 1660); 737 trường hợp âm tính và 60 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.
Đến sáng 4/2, các trường hợp tiếp xúc gần và liên quan đến bệnh nhân 1660 đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Liên quan đến bệnh nhân 1801 và 1843 tại Bình Dương, ngành chức năng đã xác minh được 50 trường hợp đi cùng bệnh nhân 1801 trên chuyến bay VJ275 có địa chỉ cư trú tại Thành phố, trong đó 47 trường hợp âm tính, 3 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả; truy vết 49 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 1843 tại Thành phố, trong đó 46 trường hợp âm tính, 3 mẫu đang chờ kết quả.
Liên quan đến các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1883 tại Hà Nội, ngành y tế đã truy vết được 31 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong đó 5 mẫu âm tính, 26 mẫu chờ kết quả; truy vết 17 trường hợp đi cùng chuyến bay VN7245 và 12 người đi cùng chuyến bay QH242 đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đã được lấy mẫu, đang chờ kết quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào tại Thành phố, do đó người dân cần tăng cường cảnh giác, không chủ quan lơ là và thực hiện nghiêm việc phòng bệnh theo thông điệp 5K.