Bệnh viện triển khai nhiều biện pháp
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại bệnh viện Nhân dân Gia định (quận Bình Thạnh), bệnh viện quận Bình Thạnh, bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn… cho thấy các bệnh viện này đã áp dụng nhiều giải pháp để phòng dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, các bệnh viện đều thực hiện khám sàng lọc như khai báo y tế bắt buộc, đo thân nhiệt, tổ chức lối đi riêng đối với những người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp hay đến từ các vùng dịch.
Chẳng hạn, bệnh viện quận Bình Thạnh bố trí 3 nhân viên đứng đo thân nhiệt và phát giấy khai báo y tế đối với tất cả những người đến khám bệnh. Ngay trước cửa vào khu vực khám, ngoài nước rửa tay dung dịch kháng khuẩn, bệnh viện cũng bố trí một máy rửa tay tự động. Theo đó, người đã khai báo y tế và được kiểm tra thân nhiệt sẽ được dán một stick trên áo và tiếp tục được vào khu đăng ký khám bệnh.
Tương tự, tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nhằm tránh xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bệnh viện thực hiện phân luồng theo 3 lối đi riêng biệt nằm ngoài bệnh viện dành cho khách hàng. Theo đó, ở lối đi thứ nhất được đặt tại khu cấp cứu, người bệnh sẽ được khám sàng lọc; ở lối đi thứ 2 dành riêng cho người bệnh đã được sàng lọc an toàn với COVID-19 sẽ vào khám bệnh theo quy trình thông thường; lối đi thứ 3 dành cho trường hợp có yếu tố dịch tễ và có triệu chứng hô hấp sẽ được khám sàng lọc tại khu khám sàng lọc phía sau bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc điều hành bệnh viện Hoàn Mỹ Sai Gòn, cho biết nhằm chung tay chống dịch COVID-19, bệnh viện triển khai theo hướng dẫn của Sở Y tế về việc sàng lọc, phân luồng bệnh và triển khai các công tác cách ly, bảo hộ, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Khi đến khám và điều trị, bệnh nhân phải thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay và kiểm tra thân nhiệt, sàng lọc tại cổng bệnh viện.
Qua khám sàng lọc, đối với người bệnh có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng viêm hô hấp cấp sẽ được khám và thực hiện cận lâm sàng tại chỗ, phết họng và thực hiện cách ly khi có chỉ định. Đối với các trường hợp chưa loại bỏ các yếu tố nghi ngờ lây nhiễm mà phải khám các chuyên khoa sâu, người bệnh sẽ được khám và điều trị riêng tại khu khám sàng lọc riêng ngoài bệnh viện với các bác sĩ chuyên khoa qua hình thức các hội chẩn qua video call. Trong trường hợp người bệnh cần nhập viện, bệnh viện tiến hành sàng lọc theo quy trình.
“Tại các khu vực này, các y bác sĩ và nhân viên hỗ trợ đều được trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ, các trang thiết bị được thực hiện khử khuẩn và phòng chống lây nhiễm chặt chẽ”, Giám đốc bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), dịch bệnh COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, phức tạp hơn, bệnh viện vẫn luôn tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Bệnh viện đã thực hiện hàng loạt các biện pháp triển khai phòng hộ nghiêm ngặt, không chủ quan, lơi lỏng để đảm bảo được sự an toàn tối đa cho phụ huynh và các bé. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tăng cường khám sàng lọc, khi bệnh nhi có các yếu tố dịch tễ hoặc triệu chứng nghi ngờ sẽ nhanh chóng được chuyển vào lối đi riêng đến phòng khám sàng lọc, cách ly, nhanh chóng xét nghiệm rõ ràng theo đúng quy định.
Nâng mức cảnh báo cao ở khu vực bệnh nhân có bệnh lý nặng
Đánh giá về mức độ lây lan nhanh của dịch bệnh tại các cơ sở y tế, trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu các bệnh viện phải xây dựng kịch bản, chuẩn bị mọi cơ sở vật chất để ứng phó với dịch bệnh.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố những bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn theo tiêu chí bệnh viện an toàn do Bộ Y tế ban hành; chỉ đạo các bệnh viện bố trí các phòng khám sàng lọc ở những khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú để phòng ngừa tối đa lây nhiễm vào các khu bên trong.
“Riêng đối với bệnh viện Ung Bướu, Viện Tim, Cấp cứu, khoa Cấp cứu phải đặt ở mức cảnh báo cao trong công tác phòng chống dịch. Các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu chuyển tuyến hạn chế tối đa khám bệnh thông thường, tăng cường tư vấn theo hình thức trực tuyến và khám bệnh tại nhà cho những người trên 60 tuổi để giảm lưu lượng người khám bệnh tại các bệnh viện”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn đề nghị các bệnh viện trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai thực hiện đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm dịch bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện sàng lọc, khai thác kỹ các yếu tố dịch tễ, triệu chứng, không phân biệt bất kỳ ai khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc mỗi ngày, sàng lọc nhiều cấp. Chuyển ngay người bệnh vào khu cách ly hoặc phòng cách ly tạm nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Dừng việc thăm hỏi người bệnh của người nhà người bệnh. Yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang thường xuyên, vệ sinh tay, thực hiện giãn cách ngay khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc triển khai các giải pháp tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, như ưu tiên thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang tại giường đối với người bệnh là người cao tuổi, người bệnh mắc các bệnh mạn tính. Đảm bảo người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận nhân tạo được chạy thận theo đúng lịch; có buồng cách ly để chạy thận tại khu vực chạy thận nhân tạo hoặc khu vực cách ly của bệnh viện dành riêng cho người bệnh thuộc diện cách ly kiểm dịch chạy thận.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở y tế chọn các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính làm những khoa trọng điểm trong giám sát sự tuân thủ của nhân viên y tế, của người bệnh và thân nhân người bệnh về kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin triển khai kết nối hai chiều từ xa giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh khi đã xuất viện để tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc sức khỏe tại nhà. Tổ chức khám chữa bệnh tại nhà đối với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính theo hướng dẫn của Sở Y tế, tăng cường kết nối giữa các bác sĩ khám chữa bệnh tại nhà với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối để hội chẩn từ xa, tư vấn chuyên môn từ xa.