TP Hồ Chí Minh: Liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân COVID-19 nguy kịch

Trong những ngày qua, đội ngũ y bác sỹ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cứu sống nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BV

Thông tin từ Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Quân y 175), đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao trên nền bệnh COVID-19 nặng, béo phì.

Ngày 8/8, Trung tâm tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam trong tình trạng chảy máu tiêu hóa trên tiến triển với các triệu chứng nôn ra máu, tiêu phân đen kèm mạch nhanh, huyết áp dao động thấp. Trường hợp này được cảnh báo có nguy cơ diễn tiến xấu do mất máu và suy hô hấp cấp.

Ngay sau khi tiếp nhận, Trung tâm Điều trị nhanh chóng tổ chức hội chẩn cấp cứu, tiến hành nội soi, xác định vị trí đang chảy máu tại dạ dày và xử trí kẹp ngăn chảy máu. Sau thủ thuật, các chỉ số đánh giá chảy máu cải thiện rõ rệt, mạch chậm dần, huyết áp kiểm soát. Các bác sỹ đánh giá hồi phục là rất khả quan đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nặng trên nền béo phì.
 
Trước đó, một sản phụ mắc COVID-19 đã được Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con, suy hô hấp nặng cũng được chuyển đến Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Quân y 175). Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, chuyên gia của Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng hội chẩn và chỉ định bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tuy nhiên, hai máy ECMO hiện có tại Trung tâm đã được sử dụng cho hai bệnh nhân COVID-19 nặng khác. Trong khi đó, nếu không dùng kỹ thuật ECMO, sản phụ chắc chắn sẽ tử vong. Đứng trước tình huống này, các bác sỹ Bệnh Viện Quân y 175 quyết định sử dụng chung một máy ECMO cho hai người bệnh cùng lúc. Đây được xem là cách làm sáng tạo của các bác sỹ bởi thông thường mỗi máy ECMO chỉ dùng cho một bệnh nhân trong một thời điểm. 

Tình trạng sản phụ sau đó cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) tăng từ 80% lên 96-98%, về mức ổn định trong khi không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân ECMO còn lại. Bác sỹ Nguyễn Cảnh Chung, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ: "Với sáng tạo thành công này, chúng tôi hy vọng sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng cần đến kỹ thuật oxy hóa máu qua màng cơ thể hơn nữa".
 
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã điều trị thành công cho một bệnh nhi 14 tuổi với cân nặng 90kg trong tình trạng nguy kịch sau khi mắc COVID-19. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi thở mệt, môi tím tái, thở oxy, SpO2 74% (bình thường 96-98%), nhịp tim nhanh 148 lần/phút được điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông.

Sau đó, tình trạng hô hấp của bệnh nhi diễn tiến xấu hơn, được chuyển thở máy không xâm nhập nhưng vẫn không cải thiện, hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nên được đặt nội khí quản thở máy và thực lọc máu liên tục.
 
Kết quả sau gần 2 tuần thở máy với các thông số thích hợp, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, được cai máy thở, thở máy không xâm nhập, thở CPAP, thở oxy qua cannula rồi bệnh nhi tự thở được với khí trời. Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bệnh nhi mới 14 tuổi nhưng cân nặng tới 90kg gây khó khăn cho các bác sỹ điều trị nhưng rất may sau nhiều nỗ lực, bệnh nhi đã được cứu sống và xuất viện về nhà sau 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
 
Trong khi đó, sau một tuần khánh thành, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến 16 (đường Đào Trí, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng. Điều vui mừng là đã có 20 ca bệnh nặng hồi phục, chuyển nhẹ dần.
 
Bác sỹ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vì là tuyến điều trị bệnh nặng nên y bác sỹ tại đây bất kể ngày, đêm đều luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận, đưa vào điều trị bệnh nhân khẩn trương nhất. Từng phòng cấp cứu đều có chuông báo động và các hoạt động được kết nối với trung tâm điều hành qua hệ thống camera. Bất cứ biến chuyển nào của bệnh nhân, bác sĩ đều nắm được ngay và có hướng điều trị hợp lý.

Với công suất 500 giường hồi sức tích cực, đây được coi là một trong những "chốt chặn" cuối cùng của Thành phố trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Đinh Hằng (TTXVN)
 Làm gì để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đến các chốt kiểm dịch?
Làm gì để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đến các chốt kiểm dịch?

Việc kiểm tra giấy tờ tại các chốt kiểm dịch cũng có nguy cơ phát tán virus SARS-CoV-2, người dân và cán bộ kiểm dịch cần làm gì để tránh lây nhiễm?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN