Cụ thể, trong tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện thêm 6 ca bệnh đậu mùa khỉ, đưa tổng số ca mắc bệnh trên địa bàn lên 19 ca, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 1 ca xuất cảnh sang Đài Loan (Trung Quốc). Thành phố Hồ Chí Minh đang cách ly và điều trị cho 12 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, tất cả đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trong khi đó, thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 ngày 6, 7 và 9/10, đơn vị này tiếp nhận thông tin về 4 trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy cả 4 trường hợp này đều dương tính với đậu mùa khỉ. Đáng chú ý, cả 4 trường hợp này đều có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trong đó có hai trường hợp đang điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV).
Cùng với bệnh đậu mùa khỉ, trong tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 422 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5,3% so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc bệnh trên 100.000 dân gồm có ba Quận 1, 8 và Bình Thạnh. Tích lũy từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 14.126 ca mắc sốt xuất huyết. Cũng trong tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 1.532 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 1,5 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 30.000 ca mắc tay chân miệng.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2023, Thành phố "đối đầu" với 5 loại dịch bệnh gồm tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ và COVID-19. Thành phố luôn chủ động các biện pháp phòng, chống và đã giãi mã gene virus gây bệnh đậu mùa khỉ, đau mắt đỏ.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức trong việc chỉ đạo, kiểm tra và giám sát triển khai công tác phòng, chống dịch, đảm bảo tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ và đậu mùa khỉ.