Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đồng thời hạn chế số lượng người bệnh tập trung tại các bệnh viện, Sở Y tế thống nhất với Bảo hiểm xã hội Thành phố về việc triển khai khám chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm hiện nay.
Người bệnh từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định đều có thể được khám và cấp phát thuốc tại nhà.
Với những người bệnh đang được theo dõi và cấp thuốc định kỳ tại các đơn vị khám chữa bệnh, sẽ có các hình thức khám và cấp thuốc khác nhau sao cho phù hợp với quy định hiện hành.
Cụ thể, đối với các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, các đơn vị phân công bác sĩ, điều dưỡng đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh. Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ tại đơn vị, nếu số lượng người bệnh đông hoặc ở xa... sẽ phân công bác sĩ bệnh viện đến thăm khám hoặc trao đổi qua điện thoại cùng người bệnh.
Nếu tình trạng người bệnh ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần khám trước liền kề, bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc cho người bệnh đủ sử dụng trong một tháng. Nhân viên y tế giao thuốc tại nhà cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh có thể đến nhận thuốc cho người bệnh tại đơn vị. Tránh để tình trạng người nhà phải chờ đợi lâu, Sở Y tế đề nghị các đơn vị có phương án tổ chức cấp phát thuốc hợp lý như: chuẩn bị sẵn cơ số thuốc theo đơn, hẹn giờ đến lĩnh thuốc phù hợp ...
Sở Y tế cũng lưu ý người thực hiện khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề. Thân nhân người bệnh đến lĩnh thuốc thay cho người bệnh cần cung cấp đủ giấy tờ hợp lệ: Chứng minh nhân dân của người đến lĩnh thuốc thay; Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác và thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh; người lĩnh thuốc ký tên và ghi rõ mối quan hệ với người bệnh. Đơn vị phải đảm bảo các chứng từ để thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, bệnh viện chủ động phối hợp với các trạm y tế xã, phường nơi người bệnh cư trú để có kế hoạch điều chuyển người bệnh có bệnh lý mạn tính ổn định về trạm y tế nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thể điều trị thuận lợi cũng như giảm quá tải cho bệnh viện.