TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý quy trình chạy thận nhân tạo

Trước thông tin về trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo gặp tai biến dẫn đến tử vong tại tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện tăng cường quản lý quy trình chạy thận nhân tạo.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo và kỹ thuật lọc máu tăng cường công tác quản lý hoạt động lọc máu, thận nhân tạo tại đơn vị, giám sát chặt chẽ sự tuân thủ của nhân viên y tế đối với quy định chuyên môn, kỹ thuật đang áp dụng trong bệnh viện.


Cụ thể, Sở yêu cầu các bệnh viện có thực hiện lọc máu lọc thận phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trước, trong và sau khi lọc máu - thận nhân tạo. Đồng thời, đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở nguồn nước sử dụng cho máy nhân tạo, có quy trình kiểm tra định kỳ chất lượng nước RO trước khi vào máy thận nhân tạo; quy trình khử khuẩn máy sau khi lọc... Đảm bảo xử lý dụng cụ y tế trong lọc máu - thận nhân tạo. Riêng đối với quả thận, dây lọc máu - thận nhân tạo tái sử dụng phải xử lý theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả thận.


Các bộ phận của máy lọc thận, vật tư tiêu hao, hóa chất sử dụng kèm máy phải đảm bảo tương thích với máy và phù hợp với người bệnh, lưu ý sự phù hợp giữa quả thận và dây lọc máu với cân nặng của trẻ nhỏ; cách thức bảo quản và sử dụng phải theo đúng hướng dẫn nhà sản xuất... Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần phải lưu ý cài đặt thông số trên máy thận nhân tạo phù hợp với từng loại dịch lọc; kiểm tra kỹ tình trạng dịch lọc trước khi sử dụng, nếu phát hiện bất thường thì không được sử dụng và báo cáo kịp thời.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải rà soát và tăng cường công tác chạy thận nhân tạo.

Song song đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo yêu cầu về nhân lực trong việc thực hiện kỹ thuật lọc máu - thận nhân tạo tại bệnh viện. Bác sĩ, điều dưỡng thực hiện kỹ thuật phải được đào tạo về thận nhân tạo và lọc máu được hội đồng khoa học công nghệ bệnh viện thẩm định và được sự giám đốc bệnh viện cho phép thực hiện bằng văn bản.


Sở cũng yêu cầu các cơ sở y tế ban hành quy trình xử trí cụ thể đối với tai biến thường gặp trong lọc máu - thận nhân tạo, luôn sẵn sàng thuốc và trang thiết bị cấp cứu cần thiết tại đơn vị lọc thận nhân tạo; đảm bảo trong suốt quá trình lọc máu cho người bệnh phải có sự theo dõi, giám sát của bác sĩ và điều dưỡng.


Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế  TP Hồ Chí Minh, yêu cầu khi có sự cố về trang thiết bị, vật tư hóa chất hoặc sự cố chuyên môn trong quá trình lọc máu - thận nhân tạo bệnh viện phải đánh giá và có biện pháp khắc phục theo quy trình xử lý sự cố của đơn vị, đồng thời báo cáo ngay về Sở Y tế để được kịp thời xử lý.


Trước đó, các bệnh viện quận tại TP Hồ chí Minh có đơn vị chạy thận nhân tạo cũng chủ động kiểm tra, rà soát lại toàn bộ máy móc, thuốc men và quy trình chạy thận nhân tạo để đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.


Đan Phương/Báo Tin Tức
18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo sốc phản vệ, 6 người tử vong
18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo sốc phản vệ, 6 người tử vong

Sáng 29/5, sau khi lọc máu được khoảng 40 phút, 18 bệnh nhân tại Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bị sốc phản vệ. Rất đau xót là đến nay đã có 6 trong số 18 bệnh nhân bị tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN