Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp, Sở Y tế cũng đề nghị các bệnh viện chuyên khoa nhi tại TP Hồ Chí Minh cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm; đồng thời tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như Adenovirus và các tác nhân khác (nếu có) và báo cáo Sở Y tế theo quy định.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, viêm gan cấp nhìn chung có nhiều nguyên nhân. Hiện nay, viêm gan cấp đã xuất hiện rải rác nhiều nơi như Mỹ, Anh, Bỉ… bệnh cảnh giống nhau, do vậy khả năng nhiều là do virus. Qua phân tích, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được một loại virus gây viêm bí ẩn ở trẻ đó là virus adeno dòng 41s.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo nếu adenovirus lây lan tới Việt Nam, cơ địa không bị tấn công vô gan thì giống cảm cúm. Người dân không nên lo lắng trước căn bệnh viêm gan cấp. Theo đó, khi phụ huynh thấy trẻ có các biểu hiện da vàng và đi tiểu sậm màu thì phải đến bệnh viện để khám. Tại Việt Nam có thể làm các xét nghiệm phát hiện adenovirus.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế Indonesia cũng vừa công bố 3 trường hợp tử vong tại bệnh viện ở thủ đô Jakarta trong tháng qua. Đó là các trẻ 2 tuổi, 8 tuổi và 11 tuổi có sốt, vàng da, co giật, hôn mê và tử vong trong bệnh cảnh viêm gan cấp. Đây có thể là các trường hợp viêm gan cấp không rõ nguyên nhân tương tự như các ca báo cáo của WHO, tuy nhiên cần chờ kết quả xét nghiệm tìm tất cả các tác nhân gây viêm gan (đang được tiến hành).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 21/4/2022, đã có 169 trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân được báo cáo từ 11 quốc gia trong khu vực châu Âu và một quốc gia trong khu vực châu Mỹ; trong đó có Vương quốc Anh (114 ca), Tây Ban Nha (13), Israel (12), Đan Mạch (6), Ireland (5), Hà Lan (4), Ý (4), Na Uy (2), Pháp (2), Romania (1) và Bỉ (1).