Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác chống dịch, các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là khi người dân mắc các bệnh lý nặng cần được can thiệp hồi sức cấp cứu kịp thời.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế vừa tuân thủ công tác phòng chống dịch tại đơn vị vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân.
Theo đó, các cơ sở y tế phải đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp gồm trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ; đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết.
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào.
Nếu bệnh nhân trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi bệnh viện khác. Thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp Sở Y tế huy động.
Trong trường hợp bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 (F0) một cách bị động, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải duy trì hoạt động của khoa Cấp cứu, đảm bảo 24/7. Trường hợp bệnh viện bị phong toả, bệnh viện phải thông báo công khai để người dân biết.
Các bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch cần can thiệp hồi sức cấp cứu.