Biểu đồ ca tử vong đã giảm gần như thẳng đứng từ khi có vaccine
Những ngày gần đây, khi liên tục có cảnh báo về sự xâm nhập của các biến chủng mới, và nguy cơ tái nhiễm COVID-19; người dân đã tích cực hơn trong việc đi tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.
Để đảm bảo tiêm chủng phòng bệnh cho người dân, những ngày gần đây, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật về diễn biến của công tác tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4; nhắc nhở, đốc thúc các địa phương có tiến độ tiêm chậm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 10/7, cả nước đã tiêm được tổng số 46.321.673 mũi 3 vaccine phòng COVID-19 (đạt tỷ lệ 69,1%).
Hiện có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp là: Hải Phòng (43,3%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,9%); Cà Mau (46,6%); Hậu Giang (35,5%). Có 3 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao là: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).
Về tiêm mũi 4, đến hết ngày 10/7, cả nước đã tiêm được tổng số 5.341.144 mũi (đạt tỷ lệ 37,2%).
Vừa qua, có nhiều người dân sau khi tiêm vaccine mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em. Trong khi đó, hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 như BA.4, BA.5 với tốc độ lây lan nhanh đã xâm nhập vào Việt Nam.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, đến thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine và khẩu trang, sát khuẩn vẫn là những biện pháp phòng dịch COVID-19 hiệu quả.
Chia sẻ về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhấn mạnh: “Cho đến nay , vaccine phòng COVID-19 vẫn là vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc chống lại COVID-19. Là người trực tiếp tham gia công tác điều trị người bệnh COVID-19, chứng kiến người bệnh COVID-19 tử vong rất nhiều trước khi có vaccine; chúng tôi đã theo dõi hiệu quả của vaccine ngay từ những ngày đầu triển khai tiêm tại các điểm nóng như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, đúng 2 tuần sau khi vùng đầu tiên được tiêm vaccine, tử lệ tử vong do COVID- 19 đã giảm xuống rõ rệt đến mức gần như biểu đồ giảm theo chiều thẳng đứng. Điều này không thể nào phủ nhận được vì nó thể hiện trên con số thực tế. Qua đây cho thấy, vaccine phòng COVID-19 loại nào cũng tốt, đều là vũ khí hiệu quả để chống lại COVID- 19 tính đến thời điểm hiện nay”.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, thời điểm này, chúng tôi vẫn đang điều trị cho 20 bệnh nhân tại Bệnh viện COVID-19 tại Hoàng Mai, Hà Nội, vẫn có những bệnh nhân phải thở máy, có bệnh nhân vẫn phải dùng ECMO nhưng các trường hợp này đều do chưa tiêm vaccine, hoặc người bệnh mắc trên bệnh nền đang rất nặng. Qua thực tế điều trị cho thấy, tất cả các trường hợp hiện nay được tiêm đầy đủ đều rất ít bị tăng nặng do COVID-19 gây ra.
“Người dân cố gắng hiểu và đừng lo ngại về tác dụng không tốt của vaccine. Chúng ta đã có kinh nghiệm khi chính sự không hiểu biết, chính sự hoảng sợ của người dân đã từng để lại những bài học rất đắt giá trong các đợt dịch vừa qua”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Cần giải thích cho người dân hiểu
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, việc giải thích cho người dân hiểu vai trò của vaccine trong phòng chống COVID-19 để người dân tự nguyện đi tiêm là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, với việc tiêm mũi bổ sung, chúng ta cần phải cá thể hóa từng trường hợp. Đơn cử như với người đã tiêm 3 mũi vaccine và lại mới mắc COVID-19 cách đây khoảng 1 tháng thì không nên khuyên họ tiêm mũi thứ 4 vào thời điểm này; hay có những trường hợp bị bệnh nền nặng mà họ nhất định không tiêm mũi thứ 2 thì cần giải thích cho họ hiểu để họ tiêm nốt mũi thứ 2... Điều này cần vai trò rất lớn của y tế cơ sở. Bởi y tế cơ sở mới là người nắm được thông tin của người dân dễ nhất; để khuyến khích, động viên người dân để đồng thuận tiêm chủng.
Thực tế, tỷ lệ biến chứng xảy ra khi tiêm rất ít, với những người đã tiêm 3 mũi an toàn, không bị nhiều tác dụng phụ, mà cơ thể có bệnh nền, có nguy cơ tăng nặng thì nên tiêm mũi 4; ngược lại nếu trong các mũi có phản ứng dị ứng, người khỏe mạnh ít nguy cơ thì có thể theo dõi thêm.
“Ngay từ đầu các nhà sản xuất vaccine đã cho rằng vaccine phòng COVID-19 là cách giúp cơ thể tạo ra kháng thể một cách từ từ, không ào ạt dễ tạo ra cơn bão cytokine nguy hiểm. Đó là vai trò rất quan trọng của vaccine. Vaccine phòng COVID-19 được chứng minh làm giảm tỷ lệ lây nhiễm, tử vong tuy không thể bảo vệ cơ thể 100% không bị bệnh vì virus SARS-CoV-2 có thể lây dễ dàng qua đường hô hấp. Người dân phải phân biệt được nhiễm virus và bị mắc COVID-19 để có thể yên tâm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Theo đó, tỷ lệ chống chỉ định của tiêm vaccine phòng COVID-19 là rất rất thấp, chỉ chống chỉ định tuyệt đối khi đã có phản vệ với chính thành phần của vaccine. Vì vậy chúng ta cũng không bàn đến chuyện phải đi lấy vaccine test thử… mà ngược lại cần có phương pháp phòng phản vệ một cách tiêu chuẩn. Với những trường hợp sốc phản vệ ngay lúc tiêm đều được xử trí rất tốt.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, việc tiêm chủng cũng cần tiêu chuẩn hóa lại để nhân viên điều dưỡng tuyến xã, thậm chí một nhân viên y tế không phải bác sĩ, không phải điều dưỡng cũng có thể cấp cứu được trường hợp sốc phản vệ thì lúc đó tỷ lệ biến chứng nặng do tiêm vaccine sẽ rất ít.
“Chúng ta không nên quá sợ COVID-19 đến mức nghĩ rằng sau khi bị COVID-19 xong sẽ bị nhiều bệnh hoặc quá sợ vaccine phòng COVID-19 mà cho rằng “thà mắc COVID còn hơn tiêm vaccine dễ gây nguy hiểm”. Khoa học đã chứng minh, không thể nào việc tiêm vaccine lại không bằng tự nhiễm. Vaccine là biện pháp cơ bản để khống chế được dịch; còn các phương pháp điều trị không thể nào giảm được tử vong như tiêm vaccine”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.