Nhiều trẻ phải lọc máu, thở máy vì mắc tay chân miệng
Trong những tuần gần đây, tại các bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng liên tục tăng. Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch và lọc máu ngày càng nhiều.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), chỉ trong 1 tuần qua bệnh viện tiếp nhận trên 10 trẻ bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực, có những trường hợp nguy kịch phải lọc máu cấp cứu.
Chẳng hạn, trường hợp của bệnh nhi Trần T.A (14 tháng tuổi) nhập viện vì giật mình, chới với. Tại khoa Nhiễm, bệnh nhi giật mình nhiều kèm run tay chân và được chẩn đoán tay chân miệng nặng (độ 2b). Theo đó, bệnh nhi được điều trị thuốc IVIG, Phenobarbital nhưng bệnh diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp, ngưng thở nên được đặt nội khí quản và chuyển ngay xuống khoa Hồi sức tích cực để thở máy.
PGS. TS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi trụy tim mạch và tụt huyết áp đe dọa tính mạng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và tiến hành lọc máu cấp cứu cho bệnh nhi.
“Lọc máu là phương pháp điều trị hiệu quả, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tay chân miệng nặng. Thế nhưng, đây là một kỹ thuật rất khó do bệnh nhi bị tay chân miệng thường là trẻ nhỏ, việc tiếp cận mạch máu rất khó khăn và tình trạng bệnh nặng diễn tiến nhanh nên dễ thất bại. Tuy nhiên, các bác sĩ đã nhanh chóng tiếp cận mạch máu thành công và tiến hành lọc máu cấp cứu sau 30 phút”, PGS. TS. Phạm Văn Quang thông tin.
Sau khi lọc máu, tình trạng bệnh nhi cải thiện tốt với sự ổn định sinh hiệu và chức năng các cơ quan. Sau 48 giờ lọc máu, bệnh nhi được rút máy lọc máu, sau đó giảm dần thở máy vào sáng ngày 21/06/2023. Hiện tại bé tỉnh táo, thở tốt, không tổn thương các cơ quan.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 6 tháng đầu năm có 2.583 trẻ đến khám và 431 trẻ nhập viện vì tay chân miệng. Trong đó, 24 ca nặng và 4 ca tử vong (ở tỉnh chuyển lên). Hiện bệnh viện có ca tay chân miệng nội trú với 6 ca thở máy, 1 ca lọc máu.
GS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, dù chưa vào thời điểm của dịch bệnh nhưng số trẻ mắc tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây và dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp. So với năm 2022, số trẻ nhập viện chỉ bằng 1/4 thế nhưng số ca nặng, nguy kịch lại tăng gấp 2,5 lần.
Bệnh viện cũng đã hội chẩn từ xa, hỗ trợ thực hiện lọc máu để cứu sống nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng ở tuyến dưới, nếu chuyển những trẻ này lên TP Hồ Chí Minh thì nguy cơ tử vong trên đường chuyển viện.
Tương tự, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố trong tuần qua cũng điều trị cho nhiều trẻ bị tay chân miệng nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch ở độ 3. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị hơn 50 trẻ tay chân miệng, trong đó 15% trẻ bị nặng. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có hơn 40 trẻ đang điều trị, trong đó có 20 - 25 ca có biến chứng lên hệ thần kinh với các biểu hiện như giật mình, yếu chân tay.
Theo báo cáo của TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 22/6, số ca mắc tay chân miệng tích lũy đến tuần 24 là 2.933 ca, chưa ghi nhận ca tử vong trên địa bàn.
Phân tầng điều trị, dành thuốc cho các ca nặng
Trước diễn biến số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây, cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 genotype B5, ngành y tế dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay tại các bệnh viện là thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng như Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch. Hiện thuốc Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu, còn thuốc Phenobarbital dự kiến được cung ứng vào tháng 7 tới.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu các bệnh viện sử dụng thuốc Gamma Globulin theo đúng phác đồ, số thuốc dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau 1-2 tuần. Do đó, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã họp và thống nhất để điều chỉnh sử dụng Gamma Globulin theo hướng hết sức cân nhắc, dùng thêm thuốc thay thế. Tuy nhiên, việc sử dụng cân nhắc, tiết kiệm thuốc để điều trị cho các bệnh nhi cũng cần hỗ trợ pháp lý từ Bộ Y tế.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian chờ các nguồn cung thuốc đầy đủ hơn, các bác sĩ sẽ hội chẩn để có quyết định tốt nhất cho bệnh nhi nhưng vẫn để dành thuốc cho ca nặng hơn sau đó.
Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Cục phó Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, riêng thuốc Gamma Globulin có 13 số đăng ký ở Việt Nam nhưng sau dịch lại khan hiếm trên toàn cầu. Thuốc được điều chế từ huyết tương, nguyên liệu thiếu hụt nên nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đặt hàng trước. Hiện có khoảng 300 lọ thuốc này ở kho của Bệnh viện Chợ Rẫy và trên 2.000 lọ tại kho của một công ty dược. Khoảng giữa tháng 8 tới, thuốc có thể nhập về thêm.
Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố theo ba kịch bản ứng phó, với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).
Tình huống thứ nhất, dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị tay chân miệng trong tình huống này là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực, các bệnh nhi tay chân miệng được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố.
Tình huống thứ hai, khi số ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50 -100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện, lúc này tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi tay chân miệng được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Tình huống thứ ba, dự kiến được triển khai khi Thành phố có từ 100-200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực.
Các bệnh nhi nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đồng thời hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ba bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục phối hợp với OUCRU giải trình tự gene, xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ các bệnh phẩm của các bệnh nhân tay chân miệng.
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng. Ngành Y tế vận động mọi người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân.