Trong 6 ngày nghỉ Tết, các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 239.795 bệnh nhân, giảm 6% so với 6 ngày Tết Kỷ Hợi; nhập viện điều trị nội trú 153.485 lượt bệnh nhân, giảm 4,7% so với 6 ngày Tết Kỷ Hợi.
Các cơ sở khám chữa bệnh đã chuyển viện cho 6.955 bệnh nhân, đỡ đẻ, mổ đẻ thành công, đón 763 trẻ chào đời và cho xuất viện 13.211 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết; vận chuyển 110.961 lượt bệnh nhân bằng xe cứu thương của bệnh viện.
Trong ngày Mùng 5 Tết, tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông là 4.409 trường hợp, giảm 24,9% so với cùng ngày Tết Kỷ Hợi 2019. Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.875 trường hợp, giảm 10% so với cùng ngày Tết Kỷ Hợi, chuyển tuyến trên điều trị 443 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 11 ca, tăng 10 ca (48%) so với cùng ngày Tết Kỷ Hợi 2019.
Như vậy sau 6 ngày nghỉ Tết đã có 30.406 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 17,8% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,7% trong tổng số khám, cấp cứu chung. Trong đó 12.015 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 39,5% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 4,3% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi; đã có 136 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn 9 ca so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi 2019.
Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,7% trong tổng số khám, cấp cứu chung. Trong đó số ca phải nhập viện điều trị nội trú chiếm 39,5%, số ca chuyển viện chiếm 10,5%, số ca tử vong là 4 ca trong 1.000 ca cấp cứu liên quan tai nạn giao thông.
Tích lũy trong 6 ngày Tết đã có 321 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 34 ca so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi, không có ca tử vong; 105 trường hợp cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ khác, 1 ca tử vong do bị bắn.
Số ca cấp cứu do chất nổ khác tăng cao so với Tết Kỷ Hợi 2019 là do năm nay Bộ Y tế thu thập cả số cấp cứu do vũ khí cùng vật liệu nổ khác.
Cũng trong 6 ngày Tết đã có 3.508 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,8% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 2.622 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 6 trường hợp tử vong so với 12 ca cùng kỳ Tết Kỷ Hợi.
Cùng với đó, đã có 18.536 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 7,7% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 32 trường hợp đã tử vong; 2.031 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 1,1% trong tổng số khám, cấp cứu. Trong đó, 515 ca ngộ độc rượu, bia, 415 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, 1 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Bộ Y tế đánh giá, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. Hầu hết các số liệu về khám, cấp cứu ghi nhận được đều giảm so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, tai nạn đánh nhau giảm 18,8%, chuyển viện tuyến trên giảm 31,9%, đặc biệt các vụ khám, cấp cứu do nguyên nhân rượu bia đã giảm mạnh (34%), tử vong do đánh nhau giảm 50%.
Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác có tăng cao 169% so với Tết Kỷ Hợi 2019, do năm nay Bộ Y tế yêu cầu thu thập cả số cấp cứu do vũ khí cùng vật liệu nổ khác (số liệu này các năm trước chưa đầy đủ).
Số tử vong do tai nạn giao thông có tăng nhẹ so với Tết Kỷ Hợi 2019 (136 ca so với 127 ca, tăng 7,1%).