Đây là khóa đầu tiên đào tạo bác sỹ chuyên khoa I cho các huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết: Lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I thuộc “Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” có 30 học viên, được đào tạo trong 24 tháng với 8 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Phụ sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền. Học viên sẽ được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, một thầy kèm một trò theo hướng “cầm tay chỉ việc” trong 24 tháng liên tục. Sau khi hoàn thành khóa học, các bác sỹ trẻ cam kết sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử học viên đi đào tạo. Đây sẽ là đội ngũ bổ sung đắc lực cho nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế khu vực Tây Nam bộ. Điều này mang ý nghĩa rất to lớn trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt đối với các vùng còn nhiều khó khăn trong khu vực Tây Nam Bộ…
Trước khi trúng tuyển, học viên là các bác sỹ chính quy hoặc liên thông tốt nghiệp khá, giỏi đã được tuyển dụng viên chức làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh như: An Giang (Tân Châu, An Phú, Tri Tôn), Bến Tre (Ba Tri), Cà Mau (Trần Văn Thời, Đầm Dơi, U Minh), Đồng Tháp (Hồng Ngự, Tân Hồng), Long An (Đồng Tháp Mười, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng), Tiền Giang (Tân Phú Đông), Trà Vinh (Trà Cú) và Vĩnh Long (Bình Tân, Trà Ôn, Tam Bình, Nguyễn Văn Thủ, Mang Thít).
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Giám đốc Dự án 585 nhận định, Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế nhằm bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở những địa phương còn khó khăn. Đồng thời, Dự án tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Song song đó, Dự án còn nhằm phát huy tính xung kích, tình nguyện của trí thức trẻ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Là một trong 30 bác sỹ trẻ trúng tuyển trong đợt đào tạo lần này, Bác sỹ Nguyễn Văn Út, hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, chuyên ngành Hồi sức - cấp cứu bày tỏ, bản thân rất vinh dự và tự hào khi là lớp bác sỹ trẻ đầu tiên hưởng lợi từ “Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” khi Dự án này triển khai tại vùng Tây Nam Bộ.
Đây là cơ hội quý giá để các bác sỹ trẻ đang công tác tại tuyến y tế cơ sở vùng sâu vùng xa trau dồi thêm kiến thức, nâng cao tay nghề. Từ đó, các bác sỹ sẽ có thể đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn cho cộng đồng trong trọng trách chăm sóc sức khỏe người dân ở những nơi đời sống còn nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Phạm Văn Tác cho biết, Dự án 585 đã được Bộ Y tế triển khai từ năm 2014. Giai đoạn 1 (2014 - 2020) của Dự án đã có 354 bác sỹ được đào tạo, bằng nguồn Dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET), do Ngân hàng thế giới và Liên minh Châu Âu tài trợ. Từ năm 2021, Dự án 585 tiếp tục triển khai bằng nguồn kinh phí do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Ngày 26/02/2021, Ban Quản lý Dự án 585, Bộ Y tế và Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II cho các huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp II là điểm mới mà giai đoạn trước chưa có. Bên cạnh đó, Dự án 585 đang cập nhật và ban hành mới 11 chương trình đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới, trong đó chú trọng chuyên môn về hồi sức cấp cứu sau đại dịch COVID-19 và xây dựng mới 05 chương trình đào tạo Bác sỹ chuyên khoa cấp II. Ngoài ra, Dự án 585 sẽ dành một phần kinh phí tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn, căn cứ vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật của bệnh viện, đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của Bác sỹ trẻ 585.