Trời rét dễ đột quỵ, người trẻ cũng phải cảnh giác

Trời lạnh là nguyên nhân gia tăng bệnh đột quỵ, đặc biệt gần đây, tình trạng người trẻ mắc bệnh này khá phổ biến. Để có thể phòng chống đột quỵ hiệu quả, người dân cần cảnh giác với các biểu hiện của bệnh.

Chú thích ảnh
Tại Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận số bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi còn trẻ đang gia tăng. Ảnh: ĐH

Xu hướng đột quỵ tiến dần về người trẻ

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện ghi nhận gia tăng các ca đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ. Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) số bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18 - 44 tuổi đã tăng 10%; đa số đều đến bệnh viện muộn do chủ quan, không nghĩ đến khả năng mình mắc bệnh này.

Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa ghi nhận trường hợp nam thanh niên 28 tuổi ở Quảng Ninh được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nhức đầu dữ dội và mất phản xạ. Theo gia đình bệnh nhân, đi làm về, bệnh nhân kêu nhức đầu rồi lên giường nằm nghỉ. Sau khi nằm nghỉ khoảng 2 tiếng, người nhà vào gọi nhưng thấy bệnh nhân không có phản ứng nên vội đưa cấp cứu và được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu não, đã  nhanh chóng được can thiệp nút khối dị dạng và may mắn qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải kiên trì tập luyện để có thể hồi phục tốt nhất.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Điều đáng tiếc là những ca đột quỵ ở người trẻ diễn tiến nặng do đến viện muộn; bệnh nhân thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi ngày càng tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi mỗi năm tăng trung bình 2%. Theo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người trong độ tuổi 25 - 49 tuổi, có một người tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Bên cạnh đó, những người trẻ bị đột quỵ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Giải thích về nguyên nhân gia tăng bệnh đột quỵ ở người trẻ, GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Ngoài những trường hợp bị dị dạng mạch máu bẩm sinh, một nguyên nhân quan trọng dẫn tới gia tăng đột quỵ ở người trẻ là lối sống không khoa học. Cụ thể, nhiều người sử dụng nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, chất kích thích làm tăng tình trạng xơ vữa mạch máu. Đây là lý do dẫn đến tổn thương mạch máu não, đột quỵ.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ cũng thường có thói quen thức quá khuya, làm việc cường độ mạnh trong thời gian dài mà không có thời gian nghỉ ngơi có thể dẫn đến những căng thẳng về thần kinh cũng là một nguyên nhân dễ dẫn tới đột quỵ. Theo đó, với người bệnh đột quỵ, nếu điều trị không tốt sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề thậm chí tử vong. Những người may mắn thoát khỏi cơn đột quỵ còn có thể bị liệt, mất khả năng lao động. Vì vậy việc phát hiện sớm để điều trị là rất quan trọng.

Nâng cao nhận biết, chú trọng 6 giờ vàng

Theo GS. Trần Bình Giang, với người bị đột quỵ, 6 giờ đầu tiên là thời gian vô cùng quý giá để có thể chữa và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Do vậy cần nâng cao hiểu biết cộng đồng về đột quỵ, cố gắng đưa người bệnh đến các trung tâm đột quỵ nhanh nhất và an toàn nhất.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, với nguy cơ mắc đột quỵ ở nhiều người trẻ, đặc biệt trong thời điểm rét đậm như hiện nay, việc thay đổi nhiệt độ môi trường một cách đột ngột có thể gây nên tình trạng co mạch máu, làm huyết áp có thể tăng đột biến, đặc biệt nguy hiểm với những người có bệnh lý tiềm tàng như tăng huyết áp mà chưa được kiểm soát. Trong khi đó, hiện nhận thức về triệu chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi chưa cao, nhiều người vẫn chủ quan, không bao giờ đi khám bệnh hoặc không kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh lý tiềm tàng, nhất là các bệnh tim mạch, huyết áp…

Vì vậy, để phòng tránh đột quỵ, ngoài việc nắm vững các kiến thức về bệnh, những người trẻ tuổi nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, ít nhất là 2 năm 1 lần để sớm phát hiện các bệnh lý tiềm tàng, có kế hoạch điều chỉnh để giúp phòng bệnh tốt hơn.

Người trẻ cũng cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, tránh bia rượu, nhậu nhẹt thâu đêm; cố gắng tránh được căng thẳng, stress tâm lý có thể góp phần giảm nhẹ được các nguy cơ đột quỵ não.

Đặc biệt, hiện nay nhiều người trẻ đã có ý thức được việc tập thể dục để phòng bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc tập luyện thể dục thể thao cũng cần chú ý nên tập vừa đủ, đúng, theo hướng dẫn. Khi tập phải biết lắng nghe cơ thể mình, khi thấy khó chịu hoặc dấu hiệu nào bất thường cần phải ngừng lại để nghỉ, đi khám nếu cần thiết. Mỗi người khi đi tập về không nên đi tắm ngay lúc đang nhiều mồ hôi mà cần nghỉ ngơi để ổn định cơ chế tiết mồ hôi, ổn định thân nhiệt mới nên đi tắm. Bởi nhiều trường hợp vào tắm ngay sau khi tập có thể dẫn tới co thắt mạch, giãn mạch đột ngột cũng rất dễ dẫn tới đột quỵ.

Bên cạnh đó, người dân khi tập thể dục cần chọn nơi thoáng khí, tránh tập ở những nơi kín, không thông khí rất nguy hiểm. Đặc biệt trong những ngày trời lạnh cũng không nên tập quá sớm, vì khi bị lạnh đột ngột cũng là nguyên nhân dễ dẫn tới đột quỵ.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Vì sao trời lạnh người già dễ bị đột quỵ ?
Vì sao trời lạnh người già dễ bị đột quỵ ?

Khi thời tiết lạnh, các mạch máu bị co lại, sẽ đẩy huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN