Trường hợp BN 2899 là 'hậu quả' của việc thực hiện cách ly không nghiêm túc

Không tuân thủ quy định về tự cách ly tại nhà, BN 2899 vẫn tiếp xúc với nhiều người đã làm lây lan dịch bệnh đến nhiều nơi, đây là bài học rất đắt giá.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện các biện pháp chống dịch tại nơi công cộng. Ảnh: TTXVN

Bài học đắt giá

Về trường hợp bệnh nhân COVID-19 số 2899 (BN 2899) tại Hà Nam đã không thực hiện đúng quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly tại địa phương làm lây lan dịch bệnh đến nhiều nơi, các chuyên gia cho rằng bệnh nhân này không chỉ vi phạm các quy định về phòng dịch; còn còn không thực hiện đúng các quy định trong thời gian cách ly.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: "Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về đảm bảo an toàn trong cả khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Trong đó, với người cách ly tại nhà đã có quy định chi tiết như: Phải ở phòng riêng, không tiếp xúc với người bên ngoài, đồ ăn uống được mang vào phòng, không tiếp xúc với ai trong vòng 14 ngày… Tuy nhiên, nam thanh niên này vẫn gặp gỡ, ăn uống, tiếp xúc với người nhà, bạn bè là sai quy định. Chưa kể, người trong diện tự cách ly tại nhà, khi trở về nhà phải khai báo với địa phương để được quản lý, giám sát. Chính quyền cũng có trách nhiệm vì đã không không giám sát chặt, quản lý nghiêm với người cách ly theo quy định”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trường hợp này là bài học cho tất cả mọi người phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp cách ly, nếu không sẽ làm lây lan dịch bệnh, rất nguy hiểm. 

Hiện không chỉ có Việt Nam mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều quy định thời gian cách ly là 14 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch. Điều này dựa trên cơ sở quá trình phát triển của virus trong cơ thể người, để đảm bảo tránh nguy cơ lây nhiễm tốt nhất.

Nguy cơ bùng dịch rất cao

Theo các chuyên gia, quá trình lây nhiễm COVID-19 từ BN 2899 sang các trường hợp khác cho thấy tốc độ lây lan nhanh. Việt Nam đang đối diện với rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch, nhất là ổ dịch tại Hà Nam diễn biến khó lường, các ca bệnh đã đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người.

Đặc biệt, Hà Nội cũng mới ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Đáng lo là ca bệnh được phát hiện ngay sát kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các công nhân của 2 công ty này đã di chuyển và không còn ở trên địa bàn huyện Đông Anh.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đã có 23 trường hợp tiếp xúc với người bệnh COVID-19 (F1) đã về quê trong dịp nghỉ lễ. Các trường hợp này được điều tra, cơ bản đều âm tính, còn một số mẫu đang đợi kết quả xét nghiệm.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trường hợp này cần phải tập trung truy vết để có danh sách những người là F1; với những người đã về các địa phương phải tìm cách thông báo cho chính họ và các địa phương biết, phải làm rõ các trường hợp này tiếp xúc với ca bệnh từ khi nào để có phương án cách ly kịp thời.

Trong bối cảnh hiện nay mầm bệnh có thể vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng; trong khi đó, nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là khi bất chấp các khuyến cáo vẫn tụ tập đông đúc tại các điểm vui chơi, bãi biển, hay các nhà xe nhồi nhét hàng trăm khách trên xe… rất dễ khiến dịch COVID-19 lây lan rộng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nước ta đang phải đối diện với nguy cơ dịch COVID-19 từ nguồn nhập cảnh bất hợp pháp và cả hợp pháp; kể cả trong nước cũng đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Vì vậy, mỗi người không được chủ quan; chỉ cần chủ quan, lơ là thì dịch bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, hiện vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ dài, mọi người dân cần tự ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch như hạn chế tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế đầy đủ, hạn chế tổ chức các sự kiện không cần thiết. Đặc biệt, khi hết kỳ nghỉ lễ, người dân từ những khu vực có ổ dịch quay trở về nơi ở, làm việc cần phải tuân thủ khai báo y tế đầy đủ.

Cùng với đó, việc siết chặt các quy định trong cách ly phòng dịch, từ các khu cách ly tập trung, đến giám sát tự cách ly tại nhà cần phải chặt chẽ hơn. Nhất là vừa qua, qua việc giải trình tự gen các ca mắc COVID-19 nhập cảnh, Việt Nam đã ghi nhận các chuyên gia Ấn Độ mắc chủng virus biến thể B.1.617.2; nếu để mầm bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng sẽ rất nguy hiểm.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Sáng 30/4, Việt Nam có thêm 3 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội, Hưng Yên
Sáng 30/4, Việt Nam có thêm 3 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội, Hưng Yên

Đến 6 giờ ngày 30/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca cộng đồng tại Hà Nội, Hưng Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN