Thưa TS.BS Lưu Quang Thuỳ, là người tham gia xây dựng, điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Việt Đức, đã cùng TP Hồ Chí Minh đi qua những ngày gian khổ nhất trong cuộc chiến với COVID-19, xin bác sĩ chia sẻ đôi chút về quá trình xây dựng, hoạt động cũng như đóng góp của Trung tâm trong thời gian qua?
Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 là giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, với số ca mắc rất lớn và số ca tử vong nhiều. Thực hiện sự điều động của Bộ Y tế, ngày 28/7, Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện dẫn đầu đã vào TP Hồ Chí Minh để khảo sát, nắm bắt tình hình chuẩn bị thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi đã chọn được Bệnh viện dã chiến số 13 ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để thành lập Trung tâm. Bệnh viện đã phải dồn sức chuẩn bị đầy đủ từ công tác hậu cần, máy móc, nhân lực để có thể đáp ứng tiến độ nhanh, gấp nhưng phải đảm bảo hiệu quả.
Ngày 5/8, tôi dẫn đoàn 300 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức vào TP Hồ Chí Minh để bắt tay vào xây dựng và hoàn thiện. Cùng với tiến độ triển khai thần tốc, làm việc hết công suất, Trung tâm đã nhanh chóng được hình thành.
Chỉ sau 11 ngày thi công, ngày 11/8, Trung tâm đã bắt đầu nhận những bệnh nhân COVID-19 nặng đầu tiên vào điều trị. Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Việt Đức là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân sớm nhất so với các Trung tâm Hồi sức được thành lập bởi các Bệnh viện tuyến Trung ương do Bộ Y tế cử vào.
Với quy mô 500 giường bệnh; dự kiến ban đầu chúng tôi dành 200 giường điều trị các bệnh nhân phải thở máy xâm lấn, thở máy không xâm lấn và thở HFNC; 200 giường cho bệnh nhân thở oxy thường; 100 giường chờ bệnh nhân ra viện. Tất cả có 10 khu nhà, cứ chủ đầu tư bàn giao được khu nhà nào là chúng tôi gấp rút hoàn thiện, đưa vào sử dụng và nhận đầy bệnh nhân khu nhà đó. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã triển khai các kỹ thuật cao như: ECMO, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, theo dõi huyết động liên tục bằng PiCCO, siêu âm tim phổi tại giường, đặt nội khí quản dưới hướng dẫn của siêu âm… để hỗ trợ điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Sau hơn 2 tháng hoạt động, Trung tâm đã điều trị được cho 971 bệnh nhân, trong đó có gần 600 bệnh nhân được xuất viện.
Đến ngày 13/10, khi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đã dần được kiểm soát, số ca nặng nhập viện giảm hẳn, Trung tâm chỉ còn lại 34 bệnh nhân; trong đó có 12 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân thở HFNC còn lại thở oxy… Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hoàn thành nhiệm vụ chi viện và tiến hành bàn giao lại Trung tâm Hồi sức tích cực cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Trong thời gian hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, theo sự phân công của Bộ Y tế, Trung tâm phụ trách hỗ trợ chuyên môn cho 8 bệnh viện tuyến dưới thuộc hai huyện Bình Tân và Bình Chính, nơi được coi là tâm dịch của thành phố. Trung tâm đã xuống khảo sát, đánh giá và hỗ trợ chuyên môn cho 6/8 bệnh viện được phân công, tổ chức giao ban hàng tuần về công tác chuyên môn, hội chẩn những ca bệnh nặng, tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 chủ yếu của 8 bệnh viện này. Đến giữa tháng 10/2021 một số bệnh viện đã trở thành “bệnh viện xanh” dưới sự giúp đỡ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trung tâm cũng hỗ trợ một số trang thiết bị y tế và thuốc cho các bệnh viện như: Hỗ trợ 2 máy thở tạo khí nén cho Bệnh viện dã chiến số 4 (Bình Chánh), 5 máy HFNC cho Bệnh viện đa khoa Triều An (Bình Tân), tặng 65.000 viên kháng sinh Moxifloxacin điều trị viêm phổi cho 8 bệnh viện và trao tặng 645 máy tạo oxy cho các đơn vị, cơ sở y tế thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh… trên tinh thần tương thân tương ái được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá cao.
Trong quá trình vận hành, hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gặp phải những khó khăn nào? Các y bác sĩ đã khắc phục những khó khăn đó ra sao, thưa bác sĩ?
Khi nhận nhiệm vụ vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, chúng tôi đã xác định, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vì đây là lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thành lập một trung tâm điều trị bệnh truyền nhiễm- một chuyên ngành hoàn toàn mới so với chuyên ngành chúng tôi được đào tạo. Hầu như các nhân viên y tế của chúng tôi chưa ai được đào tạo về chuyên ngành truyền nhiễm, nhất là điều trị COVID-19. Điều này cũng khiến giai đoạn đầu chúng tôi gặp một số khó khăn trong tiếp cận điều trị người bệnh.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tham gia thành lập bệnh viện dã chiến, tốc độ xây dựng rất nhanh chỉ trong 11 ngày, rất khó đảm bảo sự hoàn hảo về các điều kiện, trang thiết bị được như một bệnh viện bình thường.
Đặc biệt, chúng tôi vào chi viện đúng giai đoạn thời tiết TP Hồ Chí Minh rất khắc nghiệt, nắng nóng khủng khiếp khi phải làm việc trong khu điều trị mái tôn thấp, nhân viên mặc đồ bảo hộ kín mít trong cả ca trực, nhiều nhân viên đã ngất trong quá trình làm việc. Vất vả là vậy nhưng tất cả đều nỗ lực để vượt qua.
Trong điều kiện làm việc như vậy, các nhân viên y tế cũng gặp phải các vấn đề stress tâm lý. Lần đầu tiên làm việc trong môi trường dịch diễn biến quá phức tạp, số ca mắc nhiều, số tử vong cao, lại trong điều kiện của bệnh viện dã chiến, điều kiện cho điều trị không thể hoàn hảo, đầy đủ được, nhiều nhân viên đã có biểu hiện rối loạn giấc ngủ sau khi đã hoàn thành ca trực.
Để giải quyết những khó khăn đó, chúng tôi đã phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động của một bệnh viện dã chiến; nhất là đơn vị Hồi sức tích cực. Trung tâm đã phải tổ chức đào tạo liên tục, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Y tế điều chuyên gia hỗ trợ từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tập huấn kịp thời những kiến thức đặc thù về bệnh truyền nhiễm. Hàng ngày chúng tôi dành buổi tối để đào tạo online cho toàn bộ nhân viên Trung tâm về điều trị COVID-19; và hàng ngày lại được thực hành các kiến thức đó ngay tại chỗ; người vào trước đào tạo người vào sau… làm sao để phác đồ điều trị được phát huy hiệu quả nhất. Các nhân viên y tế của chúng tôi phải vừa làm, vừa học, lại vừa phải đào tạo cho các tuyến mình hỗ trợ...
Chúng tôi cũng phải bố trí hỗ trợ phân ca, kíp làm việc một cách hợp lý. Chẳng hạn tầng thở máy bao giờ cũng có bác sĩ Hồi sức làm trưởng kíp để có thể điều chỉnh được máy thở, biết chỉ định làm các kỹ thuật cao như ECMO, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, đặt nội khí quản cấp cứu…. Các điều dưỡng cũng vậy, điều dưỡng chuyên hồi sức làm trưởng tua để có thể biết chăm sóc bệnh nhân ECMO, bệnh nhân lọc máu hay các kỹ thuật cao khác, đồng thời có thể hỗ trợ cho các đồng nghiệp chuyên ngành khác. Với khu vực bệnh nhân đã cai được máy thở thì có thể phân công các bác sĩ của các chuyên ngành hỗ trợ. Vì vậy, hiệu quả điều trị bệnh nhân ngày càng được cải thiện theo thời gian.
Trong môi trường làm việc nóng bức, để chống nóng, chúng tôi phải tiến hành phân ca kíp ngắn hơn bình thường để đảm bảo sức khoẻ cho nhân viên y tế. Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư thiết kế hệ thống tưới mưa trên các mái nhà để giảm đáng kể nhiệt độ, làm mát cho khu điều trị.
Kế hoạch phân vòng điều trị đã được đưa ra cụ thể và thực hiện rất nghiêm túc từ sinh hoạt đến chuyên môn gồm: vòng 1 tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, vòng 2 tiếp xúc với bệnh phẩm như khoa vi sinh, vòng 3 là khối hành chính-điều hành, tất cả nhân viên y tế cùng vòng điều trị thường làm cùng ca, kíp với nhau, đi cùng nhau từ sinh hoạt đến làm chuyên môn. Mục tiêu là tránh lây chéo COVID-19 và hỗ trợ nhau, nếu không may có người mắc COVID-19 thì chúng tôi cho cách ly ngay, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn đoàn.
Để tránh stress trong công việc cho cán bộ y tế, chúng tôi cũng phải đào tạo, mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong chống dịch COVID-19 như BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tập huấn vấn đề “Đạo đức trong đại dịch” cũng như chia sẻ kinh nghiệm ứng xử với các tình huống cụ thể trong điều trị bệnh nhân; giúp nhân viên y tế có thể biết cách xử lý từng trường hợp chính xác, tự tin hơn.
Việc quan trọng nhất để vận hành hoạt động của trung tâm là việc “set-up” hệ thống bằng các quy trình hoạt động của Trung tâm, tất cả các quy trình từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi ra viện, cả quy trình cấp cứu nhân viên y tế; thậm chí cả việc xử lý bệnh nhân tử vong, quy trình về bàn giao tài sản của bệnh nhân tử vong… đều được xây dựng một cách rõ ràng cụ thể.
Sau hơn 2 tháng hoạt động, hơn 30 quy trình được hoàn thiện vận dụng một cách tương đối trơn tru trong suốt quá trình làm việc, thậm trí khi xuất hiện các tình huống khó cũng đã được dự đoán trước và vẫn thực hiện theo đúng quy trình, không để xảy ra lúng túng khi giải quyết công việc.
Theo bác sĩ, đâu là thành công lớn nhất của đoàn chi viện trong những ngày chiến đấu nơi tuyến đầu dịch bệnh?
Bên cạnh những nỗ lực cứu chữa được nhiều người bệnh nhất có thể, có thể nói thành công nhất của đoàn chi viện là bảo toàn được lực lượng an toàn trở về. Trong suốt hơn 2 tháng chiến đấu, với tổng số y bác sĩ làm việc tại Trung tâm có 605 người từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; kết hợp với 80 người từ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, 30 người từ Bệnh viện Bưu điện và 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng với 22 thầy tăng từ Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam đến tiếp viện cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Với quân số hơn 700 người như vậy nhưng chúng tôi không để xảy ra trường hợp lây nhiễm cán bộ y tế nào bị lây nhiễm.
Đó là nhờ quy trình bảo hộ rất chặt chẽ. Để tránh lây chéo cho nhân viên y tế, chúng tôi phải tỉ mỉ thẩm định tất cả các đồ bảo hộ, từng lô khẩu trang N95 theo tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn cao nhất. Vì nồng độ virus trong khu hồi sức rất đậm đặc, nên yêu cầu với khẩu trang và đồ bảo hộ cũng phải thật sự đạt chuẩn mới đảm bảo. Đồng thời, chúng tôi phải xây dựng quy trình mặc-tháo đồ bảo hộ, quy trình di chuyển trong trung tâm, tất cả mọi người vào làm việc đều phải được kiểm soát rất chặt chẽ, tập huấn ngay từ trước khi vào tâm dịch, khi vào TP Hồ Chí Minh lại tập huấn thêm; bắt buộc nhân viên y tế phải làm thành thạo và khi nào thật sự thành thạo mới được vào khu Hồi sức làm việc.
Một đội “cờ đỏ” cũng được thành lập để giám sát chặt chẽ các hoạt động của đoàn từ sinh hoạt đến làm chuyên môn tại Trung tâm, các hoạt động từ nơi ở đến nơi làm việc được giám sát từng bước theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm.
Suốt từ khi bắt đầu vào TP Hồ Chí Minh cho tới lúc rời về Hà Nội, tất cả đều thực hiện cực kỳ nghiêm túc chủ trương “hai điểm đến, một cung đường” (hai điểm đến là nơi ở và bệnh viện nối nhau bằng 1 cung đường đi). Nhân viên y tế chỉ được từ nơi ở đến bệnh viện thay đồ bảo hộ vào làm việc; hết ca sẽ tiến hành tắm rửa và ra xe về nơi ở sinh hoạt. Vì vậy hơn 2 tháng làm việc, gần 800 nhân viên y tế, “đảo quân” 3 lần nhưng không có ai bị nhiễm. Đó là một trong những thành tích rất đáng tự hào của chúng tôi.
Clip chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chi viện của TS.BS Lưu Quang Thuỳ:
Hiện nay Trung tâm đã được bàn giao lại cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiếp quản, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có còn tiếp tục hỗ trợ, theo dõi các hoạt động của Trung tâm không, thưa bác sĩ?
Ngày 13/10 vừa qua, chúng tôi đã bàn giao Trung tâm cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Thời điểm đó tại Trung tâm vẫn còn 34 bệnh nhân đang điều trị, chúng tôi đã tiến hành bàn giao lại cũng như cung cấp phác đồ mà chúng tôi đã áp dụng để đơn vị sẽ tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân này.
Hiện chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để nắm bắt được tình trạng các bệnh nhân ở Trung tâm. Hiện nay, phía trong đó đã điều trị được cho gần hết số bệnh nhân được bàn giao, và Bệnh viện Đại học Y Dược cũng đã chuyển toàn bộ số bệnh nhân mà bệnh viện đang phụ trách ở cơ sở Bệnh viện Quốc tế City về Trung tâm để tiếp tục điều trị. Vì chủ trương của Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh là vẫn giữ lại các Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của 3 bệnh viện lớn để chuyên điều trị COVID-19 ba tầng, còn các Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành các “bệnh viện xanh” chỉ điều trị các bệnh nhân không COVID-19.
Khi Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đến tiếp quản, họ đã rất khâm phục sức làm việc, sức chịu đựng của các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các đoàn chi viện trước đó; vì trong điều kiện vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, nhất là giai đoạn cao điểm với số lượng bệnh nhân rất lớn, các y bác sĩ vẫn miệt mài làm việc, vượt qua, không hề một lời kêu ca hay nản chí.
Thực sự, trong lúc đại dịch đang căng thẳng, số lượng bệnh nhân nặng và nhiều, chúng tôi áp dụng những phác đồ phù hợp thích ứng cho đại dịch. Đến giai đoạn đầu tháng 10/2021, khi dịch đã giảm, nhu cầu bệnh nhân nhập viện không quá đông, chúng ta mới có thể nghĩ đến những thứ tối ưu nhất, chuyển sang điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân nên số bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng được cứu sống nhiều hơn.
Trong suốt những ngày ở giữa nơi dịch khốc liệt nhất, chúng tôi học được nhiều điều xung quanh chữ: “Đồng…”. Thứ nhất là tinh thần “đồng sức- đồng lòng” vượt qua gian khó, sau đến là tinh thần “đồng nghiệp- đồng đội” hỗ trợ nhau trong suốt những ngày cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Và trên hết là tinh thần “đồng bào- đồng chí” thiêng liêng được thấm nhuần vào tâm trí của người nhân viên y tế trước khó khăn của người dân.
Những chiến sĩ áo trắng ra trận đã học được nhiều điều cả về chuyên môn, cách xử lý tình huống, sự phối hợp đồng đội; mỗi người sẽ rắn rỏi hơn để khi đối mặt với khó khăn có thể làm tốt công việc của mình sau này. Khi chia tay, chúng tôi mang theo tình cảm nồng ấm của lãnh đạo và người dân thành phố, nơi chúng tôi đã gắn bó và chiến đấu trong gần 3 tháng qua. Tôi tin rằng thành phố Hồ Chí Minh sẽ hồi sinh trong thời gian tới và chúng tôi cũng tự hào khi mình đóng góp một phần nhỏ trong sự hồi sinh đó.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!