BS. Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hướng dẫn: Người dân có thể tự quan sát nước tiểu của mình để phát hiện những bất thường như sau:
Về độ trong của nước tiểu:
- Bình thường nước tiểu có độ trong vắt cho tới hơi đục.
- Nếu nước tiểu vẩn đục tức là trong nước tiểu có mặt vị khuẩn, mỡ, hồng cầu, bạch cầu hoặc do thay đổi pH niệu.
- Nếu nước tiểu vẩn đục có thể do lẫn chất tiết ở âm đạo.
Về màu sắc nước tiểu:
- Bình thường nước tiểu có màu vàng trong, nếu pha loãng có màu vàng nhạt, nếu bị cô đặc sẽ cho màu vàng sẫm.
- Nếu nước tiểu có màu đỏ: Có thể là do biểu hiện đái ra máu (có thể do nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng mạch thận, chấn thương thận, u thận…); biểu hiện do tác dụng của một số thuốc như: Rifampicin, Rifabutin…; do ăn thức ăn có màu như củ cải, thanh long đỏ ...; do triệu chứng porphyribn niệu.
- Nước tiểu có màu nâu, cần quan tâm đến các chỉ số Hemoglobin, Myoglobin.
- Nước tiểu có màu vàng sậm cần quan tâm đến chỉ số Bilirubin (chỉ số thể hiện sự phá vỡ tự nhiên của hồng cầu), hoặc do thuốc Tetracyclin.
- Nước tiểu có màu trắng đục có thể do nhiều protein (tổn thương cầu thận), mủ, tinh thể, dưỡng chấp.
- Nước tiểu có màu xanh lơ hoặc xanh sậm: Do nhiễm khuẩn tiết niệu do trực khuẩn mủ xanh Pneudomonas, hoặc do sử dụng thuốc như Xanh Methylen, Cimetidin...
Về mùi nước tiểu:
- Bình thường nước tiểu có mùi khai sau một khoảng thời gian đi tiểu.
- Nếu nước tiểu có mùi hoa quả ngọt là do có Ceton niệu.
- Nước tiểu có mùi hôi do nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Nước tiểu có mùi khai ngay sau đi tiểu: Do nhiễm khuẩn tiết niệu do Proteus.
- Nước tiểu có mùi mốc: Do người dân ăn một thức ăn như măng tây, tỏi.
Về số lượng nước tiểu hàng ngày: Người bình thường uống đủ nước, đi tiểu khoảng 1500ml đến 2000ml/ngày.
BS. Nguyễn Thị Thủy cũng khuyến cáo, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của nước tiểu, người dân cần đi khám, xét nghiệm nước tiểu để có thể được chẩn đoán các bệnh lý, tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị phù hợp.