Vàng da bệnh lý là một hiện tượng bệnh lý về gan, khiến da và củng mạc (lòng trắng) trong mắt của người mắc bệnh chuyển sang màu vàng. Theo số liệu thống kê, mỗi năm trên thế giới có 114.000 trẻ sơ sinh tử vong và 178.000 trường hợp bị khuyết tật bởi bệnh vàng da. Có tới 75% số ca tử vong vì bệnh vàng da xảy ra ở Nam Á và Nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Theo đó, kết quả của nghiên cứu thí điểm được công bố trên tạp chí PLOS ONE đang mở ra một bước tiến quan trọng, giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân sống tại các khu vực nghèo trên thế giới.
Nhà khoa học Terence Leung - một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Ở nhiều nơi trên thế giới, các nữ hộ sinh và y tá chỉ dựa vào thị giác của chính mình để đánh giá tình trạng của bệnh vàng da. Tuy nhiên, biện pháp này không đáng tin cậy, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh có làn da sẫm màu. Phương pháp dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh của chúng tôi cung cấp một khả năng đánh giá mạnh mẽ hơn, đảm bảo các trường hợp nghiêm trọng sẽ không bị bỏ sót. Tuy vẫn cần phải chờ các kết quả thử nghiệm ở quy mô lớn hơn, nhưng chúng tôi tin rằng phương pháp sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động này có thể giúp ngăn ngừa các ca tử vong do vàng da ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới".
Vàng da ở trẻ sơ sinh vốn là hiện tượng sinh lý bình thường, xuất hiện khi hồng cầu của thai nhi bị phá vỡ để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Vàng da sinh lý bình thường không có hại, nhưng khi bilirubin - một hợp chất màu vàng được tạo ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu - có mật độ trên 10mg/dl có thể gây biến chứng, xâm nhập vào não trẻ sơ sinh dẫn đến tử vong, hoặc gây các khuyết tật như mất thính giác, bại não và suy giảm nhận thức.
Trẻ sơ sinh nghi ngờ bị vàng da có thể được xét nghiệm máu tại bệnh viện. Tuy nhiên, các biểu hiện vàng da đôi khi chỉ có thể nhận thấy vài ngày sau khi sinh, ở thời điểm trẻ đã được về nhà với bố mẹ.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học Anh đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm đối với 37 trẻ sơ sinh trong diện đã được đưa đi thử máu để sàng lọc vàng da. Các hình ảnh chụp từ ứng dụng trên điện thoại di động đã được xử lý để loại bỏ các biến dạng từ ánh sáng nền và độ vàng trong mắt, qua đó dự đoán mức độ bilirubin. Các kết quả dự đoán bilirubin này sau đó được so sánh với kết quả xét nghiệm máu. Ứng dụng trên điện thoại di động này cho kết quả tương đương với máy đo hai mắt xuyên da - thiết bị cầm tay có giá lên tới 6.000 USD và được các bệnh viện khuyên dùng. Phương pháp này hiện đang được tiến hành thử nghiệm đối với hơn 500 trẻ sơ sinh ở Ghana.