Đây là các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo "Ứng xử ra sao với sự cố y khoa” do Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức sáng 26/5.
Tại Hội thảo, bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, sự cố y khoa gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. Sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm 70%.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố y khoa, bác sĩ Long cho rằng, cần có quy trình giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi càng nhiều hàng rào giám sát thì càng ít sự cố y khoa xảy ra. Tuy nhiên, theo bác sĩ Long, không nên quá định kiến với những sai sót, sự cố y khoa không mong muốn mà cần giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai sót đó.
Chung quan điểm, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, khi xảy ra sự cố y khoa thì đầu tiên cần giải quyết ổn thỏa cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, sau đó lập Hội đồng chuyên môn đi tìm nguyên nhân chứ đừng vội quy chụp, đổ lỗi cho nhân viên y tế. Việc đổ lỗi cho nhân viên y tế càng khiến cho họ có tâm lý tìm mọi cách bưng bít sự cố. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho số lượng báo cáo sự cố y khoa tại Việt Nam ít hơn nhiều so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Báo động về các sự cố y khoa xảy ra trong lĩnh vực thẩm mỹ thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW nêu thực trạng nhiều trường hợp không phải y, bác sĩ, không có trình độ y khoa nhưng tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực, tiêm filler… gây ra những tai biến, sự cố y khoa đáng tiếc, thậm chí đã có trường hợp người bệnh tử vong.
Trong 3 năm gần đây, Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã tiếp nhận khoảng 511 bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ, trong đó phần lớn biến chứng do người dân đi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”. Thế nhưng, các chế tài pháp luật hiện nay vẫn còn quá nhẹ với các cơ sở thẩm mỹ này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng, khi xảy ra sự cố y khoa thì các cơ sở y tế và nhân viên y tế cần bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân. Các Phòng Công tác xã hội của bệnh viện sẽ là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện.
Với cương vị lãnh đạo cao nhất Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, môi trường làm việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp… trong khi đó số lượng bệnh nhân lại đông; đơn cử như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày phục vụ hơn 7.000 người bệnh thì các sai sót, sự cố y khoa dễ xảy ra.
“Sự cố y khoa là điều không ai mong muốn, cần có sự chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ.