Việt Nam áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị ung thư trực tràng

Ngày 10/8, các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện vừa triển khai thành công kỹ thuật nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng. Đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Việt Nam.

Với kỹ thuật nạo hạch chậu trong phẫu thuật, điều trị ung thư trực tràng sẽ giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tái phát của tế bào ung thư tại chỗ, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh. Theo đó, kết quả điều trị ban đầu rất khả quan khi tỷ lệ thành công cao và không có trường hợp nào để lại tai biến, biến chứng. Thời gian mổ trung bình 60-80 phút khi nạo hạch chậu bên và ngày càng được rút ngắn.


Hiện đã có hai trường hợp đã được điều trị thành công nhờ kỹ thuật tiên tiến này. Trường hợp đầu tiên là chị Đào Thị T. (46 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đã được mổ ung thư trực tràng 2 năm. Lần tái khám mới nhất phát hiện khối hạch di căn rất lớn (50mm) vùng chậu bên trái. Trên phim chụp cũ của người bệnh đã có hạch chậu 8mm và không được phẫu thuật. Bình thường, trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị tiếp nhưng cơ may triệt để là không còn. Tuy nhiên, ê kíp bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu bên trái cho người bệnh, giúp lấy trọn các tế bào ung thư còn sót lại. Người bệnh có thêm được một cơ hội điều trị triệt để.

Đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Việt Nam. Ảnh:BV

Trường hợp khác là anh Trịnh Trung H. (37 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) phát hiện ung thư trực tràng. Khối u tuy rất nhỏ (<1cm) nhưng đã cho di căn hạch chậu trái (2 khối 25-30mm). Sau khi hội chẩn ung thư, ê kíp bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa quyết định cắt u trực tràng kèm nạo hạch chậu trái cho người bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có tế bào ung thư di căn đến hạch chậu này.


Theo các bác sĩ, người bệnh ung thư trực tràng, sau khi nhập viện sẽ được làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết. Sau đó, các chuyên gia về ung thư học sẽ cùng hội chẩn để đưa ra kế hoạch điều trị ngay tức thì và lâu dài cho người bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phối hợp phẫu thuật viên đánh giá tình trạng di căn hạch chậu, từ đó chỉ định phẫu thuật.


Bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh,Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam chưa từng áp dụng kĩ thuật này trong điều trị ung thư trực tràng. Từ đầu năm 2017, bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã chính thức đưa vào ứng dụng kỹ thuật này.


Để áp dụng kỹ thuật, trước đó 1 năm khoa ngoại tiêu hóa đã nghiên cứu về y văn quốc tế, tổ chức hội thảo với chuyên gia từ Nhật Bản, xây dựng các quy trình từ chọn lựa người bệnh, chẩn đoán, phẫu thuật và chăm sóc sau mổ.


Bác sĩ Thịnh đánh giá, đây là một kỹ thuật rất khó và phức tạp về phần giải phẫu. Tuy nhiên, nếu thực hiện kỹ thuật này sẽ giúp giảm thiểu được tỷ lệ tái phát của tế bào ung thư. Các tế bào ung thư còn trong hạch, sớm muộn cũng sẽ tái phát lại; còn nếu lấy các khối hạch này ra thì sẽ loại bỏ được mầm sống của tế bào ung thư.


Theo công bố mới nhất của thế giới về kỹ thuật nạo hạch chậu trong điều trị ung thư trực tràng, nếu thực hiện theo kỹ thuật cũ thì tỷ lệ tái phát các tế bào ung thư tại chỗ là 12,6%, còn nếu sử dụng kỹ thuật này chỉ 7,4 %.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Đột phá giúp ngăn chặn dị tật thai nhi và sẩy thai
Đột phá giúp ngăn chặn dị tật thai nhi và sẩy thai

Mới đây các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện ra tác dụng tuyện vời của vitamin B3 trong việc phòng ngừa sẩy thai và dị tật thai nhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN