Triển khai rộng rãi
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc.
Đến nay, đã có các địa phương tiến hành tiêm cho đối tượng này là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình và Quảng Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Tây Ninh, Vĩnh Long...
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 5/11, các tỉnh đã tiêm được hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12- 17 tuổi. Đến nay, công tác tiêm chủng đã được thực hiện đảm bảo an toàn.
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 4/11/2021, Thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được cho 629.604 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh trong số trẻ em đã được tiêm, có 246.478 người trong độ tuổi từ 16-17 tuổi, 3.126 trẻ trong độ tuổi từ 12-15 tuổi. Trong số các trường hợp đã tiêm, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Đến nay, chiến dịch tiêm chủng vẫn đang được tổ chức an toàn với loại vaccine sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là Comirnaty của Pfizer.
Tại Ninh Bình, tính đến ngày 31/10, hầu hết các điểm tiêm trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đồng loạt học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi đang học tại các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm chủng. Đã có trên 32.000 học sinh và học viên được tiêm an toàn. Với đối tượng là học sinh không đủ điều kiện tiêm, như có bệnh lý nền, tiền sử dị ứng... được tổng hợp về trung tâm y tế trên địa bàn để triển khai khám sàng lọc và tiêm sau khi kết thúc chiến dịch. Chỉ sau 2 ngày, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine cho học sinh bậc THPT.
Từ ngày 1/11, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, với số lượng gần 31.600 em.
Tại Đà Nẵng, từ ngày 2/11, Đà Nẵng bắt đầu chiến dịch tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng, sớm cho học sinh trở lại trường học. Trước đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn Thành phố. Theo đó, số liều vaccine được tiêm trong đợt này là 45.942 liều tương đương 45.942 người. Để đạt tiến độ tiêm chủng theo kế hoạch, ngành y tế và các địa phương đã dự kiến huy động 102 đội tiêm chủng tại 16 địa điểm tiêm trên toàn thành phố.
Một số tỉnh cũng mới bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi như: Tỉnh Tây Ninh triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 5- 31/11 cho 98.489 trẻ; tỉnh Cà Mau triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh từ ngày 4/11 cho hơn 86.600 trẻ từ 12-17 tuổi; tỉnh Vĩnh Long triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn từ ngày 3/11 cho dự kiến trên 88.500 trẻ trong độ tuổi này.
Bên cạnh các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm cho đối tượng này khi có vaccine phân bổ phù hợp như: Hà Nội, Ninh Thuận, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… Các địa phương đã lên kế hoạch, sẵn sàng phương án triển khai.
Các tỉnh dự kiến trong tháng 11 triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 như: Ninh Thuận dự kiến tiêm cho khoảng 62.771 trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đây là số trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề và trẻ em trong độ tuổi đang sống trên địa bàn tỉnh nhưng không đi học, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi…; tỉnh An Giang cũng có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong tháng 11/2021 (dự kiến trong 3- 7 ngày tùy thuộc vào lượng vaccine được phân bổ)…
Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID -19 cho trẻ từ 12- 17 tuổi với số lượng trên 87.400 trẻ trong độ tuổi này.
UBND thành phố Hà Nội cũng mới có Kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021- 2022.
Theo đó, thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Thành phố triển khai tiêm cho trẻ ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế. Với mục tiêu trên 95% trẻ từ 12-17 tuổi sống trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiêm chủng đủ mũi vaccine COVID-19, thời gian thành phố triển khai dự kiến trong quý IV năm 2021 đến hết quý I năm 2022.
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Bộ Y tế cũng khẳng định đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Hiện nhiều địa phương cũng đã đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Về vấn đề này, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết: Ngay khi có vaccine về, Viện sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo về việc phân bổ cho các địa phương trên cơ sở kế hoạch dự trù các tỉnh, thành đã gửi về. Do đó, các địa phương cần tiêm chủng cho người trên 18 tuổi ngay số vaccine đã được phân bổ. Vaccine tiêm cho trẻ em của các địa phương sẽ phân bổ theo đợt riêng để triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh để lẫn các loại vaccine, phải tuân thủ "3 tra, 5 chiếu” đầy đủ.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tiêm chủng cho trẻ em, chúng tôi cũng đã có tập huấn cụ thể cho các cơ sở y tế trên cả nước về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Các điểm tiêm được tổ chức ở trường học, xã phường; riêng với các trường hợp trẻ có vấn đề về sức khoẻ, cần chăm sóc thì được tiêm ở bệnh viện để đảm bảo an toàn”.
Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, trước đó, Việt Nam đã triển khai một số chiến dịch tiêm vaccine ở trường học với số lượng rất lớn nên chúng ta đã có kinh nghiệm. Trong chiến dịch tiêm lần này, các đơn vị tiêm chủng đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương và các cơ quan của Bộ Y tế để được hỗ trợ, nhất là trong khâu khám sàng lọc; để đảm bảo việc tiêm được triển khai nhanh, an toàn, hiệu quả nhất. Đặc biệt, với đối tượng người dưới 18 tuổi, việc tiêm chủng phải có sự đồng thuận của cha mẹ. Vì vậy, khi khám sàng lọc, tại các điểm tiêm sẽ lấy ý kiến đồng thuận của cha mẹ, người giám hộ trước khi tiêm cho trẻ.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.