Rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh
Trong công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau bão, mưa lũ gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão và lũ, nhất là vùng có địa bàn thấp, nơi bị ngập úng, lũ lụt, lũ quét.
Các đơn vị chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như tiêu chảy, bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, nhất là các bệnh lây truyền qua nguồn nước hoặc từ động vật sau bão lụt.
Đồng thời tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt; xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước, xử lý chất thải, thu gom, tiêu hủy súc vật, gia cầm bị chết, không để ô nhiễm môi trường gây phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương bảo đảm cung ứng đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và các dịch vụ điều trị cho các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và mưa lũ, bảo đảm các phương tiện vận chuyển sẵn sàng ứng cứu cho các địa phương khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu; sẵn sàng cơ động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Các đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế đến địa bàn.
Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn các biện pháp xử lý nước, vệ sinh môi trường
Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn việc xử lý môi trường và quản lý chất thải y tế nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế sau bão.
Theo đó, đối với việc xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường tại cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ sở y tế cần kịp thời cung cấp đủ hoá chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước và vệ sinh môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn các biện pháp xử lý nước, vệ sinh môi trường cho người dân; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi bão lũ (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó).
Việc xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định.
Đối với công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế, cần tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Kiểm tra, khắc phục các khu vực lưu giữ chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Kiểm tra hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải y tế; tăng cường các biện pháp khử khuẩn để xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.
Ưu tiên đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Sau bão lũ, cơ sở y tế khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khuôn viên và khử khuẩn các khoa, phòng. Trường hợp bể chứa nước sạch bị ngập thì sau khi nước rút cần tiến hành thau rửa và khử trùng bể chứa.