Trên thực tế, dù trong Nghị định 86/CP/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và Thông tư 63/2014 về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ không quy định trách nhiệm của chủ phương tiện khi lái xe gây tai nạn; nhưng đã có nhiều nội dung về trách nhiệm chủ phương tiện về quản lý, tuyển dụng, đào tạo lái xe và giám sát thiết bị hành trình khi tham gia giao thông.
Cụ thể, theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), ngoài trách nhiệm quản lý, trả lương lái xe, doanh nghiệp vận tải phải chú trọng công tác khám sức khỏe khi tuyển dụng và định kỳ kiểm tra trong quá trình hoạt động vận tải.
"Quy định là thế, song kết quả điều tra sau các vụ tai nạn cho thấy, việc này đang bị các doanh nghiệp “bỏ ngỏ”. Tình trạng lái xe nghiện ma túy chỉ được các lực lượng chức năng phát hiện sau khi lái xe bị xử lý vi phạm giao thông đột xuất hoặc sau tai nạn. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) không thể căng sức làm nhiệm vụ này, mà phải chính từ các doanh nghiệp vận tải", Trung tá Hùng cho biết.
Về thực tế này, nhiều ý kiến luật sự khẳng định, để xảy ra tai nạn do lái xe nghiện ma túy, doanh nghiệp vận tải không thể vô can. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định về tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện gây hậu quả, tức là liên quan đến chủ sở hữu phương tiện là tổ chức, là cá nhân, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm về hình sự, nếu như doanh nghiệp biết lái xe có sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma tuý hoặc không có bằng lái. Nhưng đến nay, có quá ít doanh nghiệp chịu trách nhiệm liên đới hoặc hình thức xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty vận tải Thiên Thảo Nguyên, hầu hết các doanh nghiệp đều không mong muốn tình trạng nêu trên xảy ra. Rõ ràng, trách nhiệm chính là của doanh nghiệp. Vì thế, khi tuyển dụng đầu vào, nếu các bộ phận nhân sự của doanh nghiệp kiểm tra, xét nghiệm kỹ, thì không thể bỏ lọt lái xe nghiện ma túy. Do vậy, cần nâng chế tài xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, thậm chí có thể sửa đổi, bổ sung quy định nghiêm trong luật để xử lý hình sự.
Thực trạng lái xe gây tai nạn có liên quan đến ma tuý đã gióng lên hồi chuông báo động, dù muộn nhưng còn hơn không. Vì thế, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT, thì Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương cần sớm ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, để đảm bảo công bằng cho người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ tháng 6/2018 đến tháng 1/2019, cả nước xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Liên quan đến trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với lái xe, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, hiện nay đã có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sắp tới sẽ xem xét nâng mức độ xử lý trách nhiệm doanh nghiệp lên cao hơn nữa. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tổng hợp ý kiến các bộ ngành liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Nghị đinh 86/CP và Luật Giao thông đường bộ các quy định liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và chủ xe.