Hiện trạng khai thác đất tại Khu công nghiệp Hoà Trung.
|
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) xác nhận có tình trạng trên và cho biết qua rà soát, xã phát hiện có hộ ông Nguyễn Thanh Trường (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú) và ông Nguyễn Văn Tâm (xã Lý Văn Lâm) có hành vi nói trên.
Về biện pháp xử lý, ông Trần Quốc Văn cho hay, xã đã căn cứ theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản để lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính mỗi hộ 3 triệu đồng. Đồng thời, địa phương đã kiến nghị lên UBND huyện Cái Nước có biện pháp xử lý triệt để.
“Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra. Các hộ dân bán đất và được xe tải chở đi, trong khi chúng tôi không có thẩm quyền cho dừng các xe này để kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán diễn ra thường vào ban đêm hoặc những ngày cuối tuần gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra xử lý”, ông Văn cho biết thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, các điểm mua - bán đất mặt tại khu vực này không khác gì một công trường. Xe cơ giới được đưa vào để múc đất và có đường để xe tải vào tận nơi chở đi, có điểm có đến 3 chiếc xe múc đất. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn đất được trữ tại ngay nơi đào múc...
Ghi nhận tại điểm mua bán đất trên trục đường từ thành phố Cà Mau về Đầm Dơi, đoạn dẫn vào Khu công nghiệp Hòa Trung, trưa 14/9, đất bị đào múc, khai thác với khối lượng khoảng 9.000m3, diện tích khai thác gần 0,5 ha.
Những hộ dân sống gần khu vực này cho biết, hoạt động này diễn ra gần cả tháng nay, chủ yếu vào ban đêm; chỉ riêng tuyến đường này đã có 3, 4 điểm mua bán đất. Cũng theo người dân, mỗi m3 đất được bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng. Giá bán tính theo xe cao hơn so với bán theo từng m3. Mỗi xe chở được khoảng 5m3 có giá trung bình 500.000 đồng.
Điểm khai thác này có cả người “cảnh giới”, khi phóng viên tiếp cận khu vực khai thác bị người này tra hỏi “lý lịch” và thông báo dừng các hoạt động khai thác đất khi phóng viên tác nghiệp.
Đất mặt được khai thác tạo thành những hố sâu trên 1 m. |
Ngoài ra, điểm mua – bán đất thuộc ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân trên tuyến Quốc lộ 1A (cách cầu Lương Thế Trân khoảng 500m) hướng từ thành phố Cà Mau về huyện Cái Nước cũng có hiện trạng bị đào múc với khối lượng lớn, diện tích khai thác hơn 1,5 ha.
Đất mặt được khai thác thành những hố sâu trên 1 m. “Công trường” khai thác khá quy mô khi có cả tuyến đường "tự chế” được trải bạt nối từ quốc lộ vào các điểm khai thác, nhằm cho xe tải vào tận nơi vận chuyển. Theo lời người dân sống lân cận, đất ở đây được khai thác bán từ khoảng Tết Nguyên đán 2017 đến nay.
Bên cạnh đó, cách UBND xã Lương Thế Trân khoảng 1,5 km về hướng cầu Lương Thế Trân có điểm tập kết bùn thải từ các nơi khác chuyển đến với khối lượng khoảng 70.000m3, nhằm dự trữ để bán. Theo ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân, bùn thải tại điểm tập kết đất này được chuyển về từ việc nạo vét các tuyến sông ở thành phố Cà Mau. Xã sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có hiện tượng tập kết đất mặt của các hộ dân bán ra sẽ xử lý.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, thời gian qua, tình trạng người dân tự ý khai thác lớp đất mặt bằng nhiều hình thức khác nhau để kinh doanh san lấp mặt bằng diễn ra khá phức tạp ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển, Cái Nước và thành phố Cà Mau.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cảnh báo, việc khai thác trái phép tài nguyên đất sẽ làm thay đổi địa hình, thay đổi cốt nền đất tự nhiên, phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau đã đề nghị UBND huyện Cái Nước phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế kiểm tra, xử lý tình trạng đào múc, khai thác, tập kết, bán trái phép đất thời gian qua trên địa bàn; gửi kết quả xử lý về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 22/9.