Một bãi kinh doanh cát thuộc xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Công Phong/TTXVN |
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua tỉnh đã cấp 6 giấy phép khai thác cát xây dựng. Trong đó Công ty Đồng Tân được tỉnh cấp 3 giấy phép khai thác cát gồm 2 giấy phép khai thác cát xây dựng tại lòng hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu và Định Quán, 1 giấy phép khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn thuộc huyện Tân Phú và Định Quán.
Tại 2 mỏ cát trong hồ Trị An hiện chưa xảy ra tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến an toàn bờ hồ. Tuy nhiên mỏ cát trên sông Đồng Nai thuộc huyện Tân Phú và Định Quán, do Công ty Đồng Tân khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép dẫn đến sạt lở tại khu vực trạm bơm, ấp 8 xã Thanh Sơn (Định Quán).
Sau khi xảy ra tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp này giảm công suất khai thác từ 49.000 m3/năm xuống còn 25.000 m3/năm; giảm số lượng ghe khai thác từ 6 xuống còn 2 ghe.
Tại mỏ cát xây dựng trên sông Đồng Nai thuộc xã Đắc Lua, huyện Tân Phú do Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai khai thác cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Hiện nay tình trạng sạt lở bờ sông đã được lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp trên khắc phục.
Ngoài ra, tại khu vực sông Đồng Nai và sông Đạ Quay thuộc xã Nam Cát Tiên, xã Tà Lài, Núi Tượng (huyện Tân Phú) còn có hai mỏ cát xây dựng của Hợp tác xã xây dựng và công nghiệp Phú Thịnh và Hợp tác xã công nghiệp Phú Xuân được cấp phép khai thác.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tất cả 6 mỏ khai thác cát trên trên sông do tỉnh cấp phép hiện nay đều được yêu cầu ngừng hoạt động. Trong khi cũng tại khu vực sông Đạ Quay thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có 15 giấy phép khai thác cát xây dựng được tỉnh này cấp phép.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, phía thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Tân Phú và Vườn Quốc gia Cát Tiên đang bị sạt lở với diện tích khoảng 14ha; trong đó, xã Đắc Lua và xã Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú bị sạt lở gần 11ha; tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên bị sạt lở hơn 3ha. Theo đánh giá, tình trạng sạt lở bờ sông tại những khu vực trên là do khai thác cát và tác động của dòng chảy.
Diện tích đất sản xuất bị "trôi sông" tại địa bàn huyện Cát Tiên, Lâm Đồng do bị khai thác cát trái phép. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Mới đây UBND tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã có văn bản thống nhất tạm ngưng hoạt động khai thác cát của tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay tại vùng giáp ranh trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 5/6/2017. Việc tạm ngưng khai thác được UBND Đồng Nai và Lâm Đồng giải thích là để đánh giá trữ lượng còn lại, độ sâu và hiện trạng môi trường đường bờ.
Hai địa phương cũng thống nhất không lập thủ tục gia hạn thời gian khai thác đối với các giấy phép khai thác cát sắp hết thời hạn khai thác. UBND hai tỉnh giao UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai) và Cát Tiên, Đa Tẻh (Lâm Đồng) kiểm tra, trục xuất tất cả các ghe, tàu có kết cấu bơm hút cát (không thuộc các phương tiện được hai tỉnh cấp phép cho các doanh nghiệp) neo đậu dọc tuyến sông Đồng Nai và Đạ Quay ra khỏi khu vực sông.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài khu vực trên, tỉnh Đồng Nai cũng đã ký kết quy chế phối hợp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính với các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; ký kết phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải kết hợp tận thu khoáng sản.